Vay thế chấp là gì? Đây là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của những người muốn vay vốn. Hình thức vay này yêu cầu người vay phải có tài sản đảm bảo và phức tạp hơn vay tín chấp. Vậy cụ thể, vay thế chấp là gì? Điều kiện, thủ tục vay như thế nào? Đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé!
Mục Lục
Vay thế chấp là gì?
Trái ngược với vay tín chấp, vay thế chấp là hình thức vay cần có tài sản đảm bảo. Người đi vay vẫn còn quyền sở hữu đối với những tài sản mang đi vay.
Một số tài sản có thể thế chấp như: vàng, bạc, kim cương, nhà cửa, đất đai, xe, giấy tờ xe,… thuộc quyền sở hữu và đứng tên của bạn thì mới có thể vay. Khi vay, các tổ chức cho vay sẽ giữ hồ sơ, giấy tờ tài sản đảm bảo.
Hình thức này hiện đang phổ biến trong thị trường vay vốn, đa phần các ngân hàng đều cho phép người đi vay được thế chấp tài sản và vay trong thời gian dài (khoảng từ 20 – 25 năm).
Đặc điểm của vay thế chấp
Hình thức vay này nổi bật với những đặc điểm sau đây:
- Người đi vay vẫn có quyền sở hữu tài sản. Ngân hàng chỉ giữ lại những giấy tờ chứng minh sở hữu tài sản. Bạn vẫn có quyền sử dụng.
- Tài sản thế chấp đa dạng: Chỉ cần tài sản có giá trị là bạn đã có thể đăng ký vay bất kỳ lúc nào. Một số loại tài sản có thể kể đến như sổ đỏ, sổ hồng, ô tô, hàng hóa luân chuyển, máy móc, thiết bị…
- Thời gian vay linh động theo nhu cầu người vay, có thể kéo dài lên đến 25 năm.
- Lãi suất thấp hơn vay tín chấp: Mức lãi suất ưu đãi hơn, số tiền lãi phải trả cũng thấp hơn.
- Hạn mức vay lên đến 70-100% giá trị tài sản đảm bảo. Nếu bạn đang cần một số vốn lớn, đây là hình thức vay phù hợp.
So sánh vay thế chấp và vay tín chấp
Cả hai đều là những hình thức vay phổ biến nhất hiện nay. Thế nhưng, hai hình thức này vẫn có những điểm khác biệt rõ rệt như sau:
Tiêu chí | Vay thế chấp | Vay tín chấp |
Tên gọi khác | Vay có tài sản đảm bảo | Vay không tài sản đảm bảo |
Đặc điểm | Là hình thức vay tiền cần có tài sản đảm bảo và tài sản đảm bảo phải thuộc quyền sở hữu của người đi vay, được thẩm định giá trị bởi ngân hàng. | Là hình thức vay tiền không cần tài sản đảm bảo mà dựa trên sự uy tín và năng lực trả nợ của người đi vay. |
Tài sản thế chấp cần có | Tài sản đảm bảo theo quy định | Không cần tài sản đảm bảo |
Lãi suất | Thấp hơn và giảm dần | Cao hơn |
Hạn mức | 70-100% giá trị tài sản đảm bảo | Thấp hơn |
Thời gian xét duyệt | Thời gian xác minh điều kiện và xử lý giao dịch lâu | Thời gian xét duyệt nhanh, giải ngân nhanh chóng, có thể vay ngay trong ngày |
Thủ tục đăng ký | Phức tạp | Đơn giản hơn |
Qua đó, vay thế chấp thích hợp với những người đang cần vốn lớn để đầu tư. Còn hình thức vay tín chấp thích hợp với những người cần số vốn ít, dạng vay nhanh để tiêu dùng. Do đó, bạn có thể căn cứ vào mục đích vay để lựa chọn hình thức vay tiền phù hợp.
Điều kiện và thủ tục cho vay
Để có thể được xét duyệt hồ sơ nhanh, người đi vay cần phải nắm rõ các điều kiện lẫn thủ tục cần thiết. Mỗi tổ chức cho vay sẽ có những yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ khác nhau.
Điều kiện vay thế chấp
Điều kiện để có thể vay thế chấp rất đơn giản, chỉ cần bạn đáp ứng được những yêu cầu này. Đừng lo lắng, ngân hàng sẽ tạo điều kiện tối đa để người đi vay có thể dễ dàng vay được vốn qua các tài khoản thế chấp. Điều kiện bao gồm:
- Tài sản thế chấp có giá trị bằng hoặc lớn hơn khoản vay
- Chứng minh nguồn thu nhập ổn định để có thể trả nợ khoản vay
- Không thuộc vào nhóm nợ xấu của ngân hàng
Thủ tục vay thế chấp
Thủ tục vay thế chấp tại các ngân hàng thường khá phức tạp, cần qua nhiều bước kiểm duyệt, kiểm định. Chính vì vậy, các bạn cần phải xác nhận lại chính xác bộ hồ sơ đầy đủ mà tổ chức đó yêu cầu để chuẩn bị thủ tục được nhanh gọn.
- Các loại giấy tờ tùy thân: chứng minh thư, thẻ căn cước. sổ hộ khẩu,…
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản thế chấp
- Hồ sơ chứng minh khả năng trả nợ: bảng lương, hợp đồng lao động,…
- Giấy tờ đăng ký đề nghị vay vốn theo dạng tài sản thế chấp.
Các loại lãi suất vay thế chấp
Hiện nay, có 3 loại lãi suất vay thế chấp phổ biến là lãi suất cố định, lãi suất thả nổi và lãi suất hỗn hợp. Mỗi loại lãi suất có cách tính riêng. Cụ thể như sau:
Lãi suất cố định
Lãi suất cố định là loại lãi suất vay thế chấp không đổi trong suốt thời hạn vay. Nghĩa là mỗi tháng người đi vay cần trả số tiền lãi như nhau.
Công thức tính lãi suất cố định là:
Số tiền lãi mỗi tháng = Số tiền vay thế chấp x lãi suất cố định (%/năm)/12
Ví dụ: Nếu khách hàng vay thế chấp 30.000.000 VNĐ, lãi suất cố định 12%/năm, thời hạn vay 1 năm. Mỗi tháng số tiền lãi là 30.000.000 x 12%/12 = 300.000 VNĐ
Lãi suất thả nổi
Lãi suất thả nổi là loại lãi suất thay đổi tùy theo quy định và chính sách của các ngân hàng tùy vào từng thời kỳ. Thông thường, các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất vay theo định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.
Công thức tính lãi suất thả nổi là:
Lãi suất thả nổi = lãi suất cơ sở + biên độ lãi suất
Số tiền lãi mỗi tháng = Số tiền vay thế chấp x lãi suất thả nổi (%/tháng)
Trong đó, lãi suất cơ sở thường là lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 24 tháng lĩnh lãi cuối kỳ. Biên độ lãi suất cố định trong suốt thời gian vay vốn và được ghi rõ trong hợp đồng vay thế chấp. Đôi khi biên độ lãi suất thay đổi theo biến động thị trường.
Ví dụ: Khách hàng vay thế chấp 30.000.000 VNĐ, thời hạn 1 năm với lãi suất thả nổi, biên độ lãi suất là 0,2 %/tháng.
- Từ tháng 1 đến tháng 3, lãi suất cơ sở là 0,8 %/tháng nên lãi suất thả nổi là 0,8 + 0,2 = 1 %/tháng. Số tiền lãi mỗi tháng trong thời gian này là 30.000.000 x 1% = 300.000VNĐ
- Từ tháng 3 đến tháng 6, lãi suất cơ sở là 0,6 %/tháng nên lãi suất thả nổi là 0,6 + 0,2 = 0,8 %/ tháng. Số tiền lãi mỗi tháng trong thời gian này là 30.000.000 x 0,8% = 240.000VNĐ
- Từ tháng 6 đến tháng 9 lãi suất cơ sở là 1 %/tháng nên lãi suất thả nổi là 1 + 0,2 = 1,2 %/ tháng. Số tiền lãi mỗi tháng trong thời gian này là 30.000.000 x 1,2% = 360.000 VNĐ
Như vậy, so với lãi suất cố định, lãi suất thả nổi có nhiều biến động hơn, có thể giảm hoặc tăng theo lãi suất thị trường và chính sách của ngân hàng thời điểm đó. Nếu áp dụng lãi suất thả nổi này, khoản vay thế chấp có thể gặp nhiều rủi ro.
Lãi suất hỗn hợp
Lãi suất hỗn hợp là loại lãi suất vay thế chấp bao gồm cả lãi suất cố định và lãi suất thả nổi được áp dụng trong một khoảng thời gian đã thỏa thuận. Thông thường, các ngân hàng thường áp dụng lãi suất cố định trong 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng hoặc 24 tháng tùy gói vay. Sau đó, lãi suất thả nổi sẽ được áp dụng.
Công thức tính lãi suất hỗn hợp sẽ được tính theo công thức tính lãi suất cố định hay lãi suất thả nổi tùy thuộc vào từng thời điểm áp dụng.
Ví dụ: Khách hàng vay thế chấp 30.000.000 VNĐ, thời hạn 1 năm với lãi suất hỗn hợp. Trong 6 tháng đầu, khoản vay sẽ áp dụng lãi suất cố định là 1%/tháng. Sau đó, áp dụng lãi suất thả nổi với biên độ lãi suất là 0,2 %/tháng.
- Trong 6 tháng đầu, số tiền lãi mỗi tháng mà người đi vay phải trả được tính như lãi suất cố định ở mục 3.1 là 300.000 VNĐ/tháng.
- Trong 6 tháng sau, số tiền lãi mỗi tháng mà người đi vay phải trả được tính như lãi suất thả nổi ở mục 3.2 là 300.000 VNĐ/tháng hoặc 240.000 VNĐ/tháng hoặc 360.000 VNĐ/tháng… tùy theo biến động của thị trường và quy định của ngân hàng.
Như vậy, lãi suất hỗn hợp tập hợp hai tính chất là ổn định như lãi suất cố định lại vừa biến động như lãi suất thả nổi. Độ rủi ro của lãi suất hỗn hợp cao hơn lãi suất cố định nhưng lại thấp hơn lãi suất thả nổi.
Lãi suất vay thế chấp ngân hàng nào thấp nhất
Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều đưa ra dịch vụ vay thế chấp cho khách hàng chọn lựa, với các mức lãi suất, thời hạn vay và giá trị vay khác nhau. Do vậy, việc chọn lựa ngân hàng với mức lãi suất thế chấp ưu đãi và phù hợp với nhu cầu luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Dưới đây là thông tin về lãi suất vay thế chấp của các ngân hàng ưu đãi nhất hiện nay:
Tên ngân hàng | Lãi suất vay thế chấp |
Vietcombank | 5% – 7% |
BIDV | 6,5% – 7,5% |
VietinBank | 7% – 7,7% |
AgriBank | 6% – 11% |
TPBank | 6,8% – 11,88% |
MBBank | 6% – 8,29% |
Sacombank | 7,49% – 8,5% |
VIB | 6,09% – 8,4% |
Eximbank | 7,5% – 11% |
Quy trình đăng ký vay thế chấp
Có 2 cách đăng ký vay thế chấp là đăng ký vay kiểu truyền thống (đăng ký tại quầy giao dịch) và đăng ký online.
Đăng ký tại quầy giao dịch
- Bước 1: Cung cấp các thông tin cơ bản liên quan đến khoản vay cho nhân viên ở quầy giao dịch như mục đích vay, nhu cầu vay, tài sản thế chấp, thu nhập
- Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ vay vốn
- Bước 3: Ngân hàng thẩm định hồ sơ vay thế chấp của khách hàng
- Bước 4: Ngân hàng phê duyệt khoản vay
- Bước 5: Ngân hàng gửi thông báo khoản vay đã được duyệt và giải ngân cho khách hàng.
Đăng ký online
Đây là hình thức đăng ký trực tuyến trên điện thoại di động hoặc website ngân hàng. Ví dụ như muốn đăng ký vay thế chấp online tại VPBank, bạn có thể làm theo bước sau:
- Bước 1: Truy cập vào đường link https://www.vpbank.com.vn/ca-nhan/vay và vào mục Vay có tài sản đảm bảo.
- Bước 2: Nhấn vào nút Đăng ký ngay ở hình thức vay thế chấp mà bạn muốn vay
- Bước 3: Điền/chọn các thông tin có trong biểu mẫu như: Danh xưng, họ và tên, email, tỉnh/thành phố, quận/huyện, sản phẩm đăng ký. Tích vào ô Tôi không phải là người máy và Bằng cách đăng ký thông tin này, tôi đồng ý nhận bản tin của VPBank rồi nhấn nút Đăng ký
Kết luận
Hiện nay, vay thế chấp là một hình thức vay thông dụng nhất hiện nay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trên đây là những thông tin về hình thức này, hy vọng với những gì mà giavang.com cung cấp, bạn có thể lựa chọn được hình thức vay thích hợp.