Trong giao dịch Forex, Stop Loss là một trong những khái niệm cơ bản nhất mà một nhà đầu tư phải biết khi tham gia vào thị trường ngoại hối. Nhưng vấn đề lớn nhất của các trader là làm sao để đặt Stop Loss một cách đúng nhất. Mời bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Mục Lục
Stop loss là gì?
Stop Loss là một trong các loại lệnh giao dịch quan trọng giúp nhà đầu tư quản lý vốn hiệu quả. Biến động giá trên thị trường theo từng giây, gây áp lực rất lớn đến tài khoản nhà đầu tư. Mỗi thao tác chậm một nhịp cũng gây tổn thất lớn, Stop Loss giúp trader dừng lỗ tự động, bảo vệ tài khoản nhà giao dịch trong mọi tình huống bất ngờ trước biến động xấu của thị trường.
Xem thêm một số lệnh quản lí vốn khác:
Ý nghĩa lệnh Stop loss
- Bảo vệ tài khoản nhà đầu tư không bị cháy khi thị trường đi ngược dự đoán.
- Giúp các nhà đầu tư loại bỏ hoàn toàn yếu tố tâm lý. Trong một số trường hợp khi giá đi ngược lại xu hướng những nhà đầu tư kỳ vọng giá đi lên để gỡ lại phần thua lỗ. Nhưng giá đi xuống sẽ khiến bạn càng thua lỗ nhiều hơn. Stop Loss sẽ giúp bạn loại bỏ tâm lý này và tự động đóng lệnh khi giá đạt đến điểm đã đặt.
- Khi giá giảm về mức đã được đặt Stop Loss, lệnh sẽ tự động cắt lỗ mà nhà giao dịch không mất công theo dõi.
Stop Loss có ý nghĩa rất quan trọng trong đầu tư. Một nhà đầu tư giỏi sẽ không bao giờ bỏ qua Stop Loss trong mỗi giao dịch của mình.
Vì sao nhà giao dịch không đặt Stop Loss
Không biết Stop Loss là gì?
Đa số người chơi mới xem nhẹ tầm quan trọng của lệnh Stop Loss vì cho rằng dự đoán luôn đúng với hướng đi thị trường. Tuy nhiên, ngay cả với nhà giao dịch lão làng nhất cũng không thể luôn đúng vì thị trường Forex quá nhạy cảm với nhiều yếu tố tác động. Cho nên, Stop Loss là lệnh được sử dụng phổ biến hàng đầu của các trader.
Không biết cách đặt Stop loss?
Hầu hết các nhà đầu tư tham gia thị trường với tâm thế cực kì lạc quan, mang hi vọng chốt được những khoản lợi nhuận lớn nên ít ai nhìn nhận thị trường theo hướng ngược lại. Các chuyên gia đều chia sẻ rất nhiều chiến lược giao dịch và luôn luôn kèm theo các đặt Stop Loss sao cho hiệu quả nhất. Ngoài Stop Loss, bạn cũng nên tìm hiểu thêm các phương pháp phân tích kỹ thuật khác để nhận biết xu hướng của giá như: Hỗ Trợ và Kháng Cự, Fibonacci ….Kết hợp cùng nhau để chọn điểm đặt Stop Loss hợp lí.
Nếu bạn chưa tự tin vào khả năng phân tích của mình, có thể tham khảo các tín hiệu Forex của những người giàu kinh nghiệm hơn.
Không muốn bị quét Stop Loss
Các nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn thì tự tin về dự đoán của mình nên bất chấp rủi ro thị trường mà kiên cường gồng lệnh. Thậm chí một số sợ đặt Stop Loss sẽ bị quét lệnh và bỏ lỡ cơ hội giá hồi phục. Đây được xem là tâm lý chung dễ dẫn đến cháy tài khoản.
Muốn tự mình đóng lệnh khi thua lỗ đã chạm mức cho phép
Đầu tiên, có thể dám chắc với bạn là hơn 99% bạn sẽ không thực hiện được. Giả sử bạn mở lệnh Buy cặp EUR/USD, không đặt stop loss và dự tính rằng sẽ đóng lệnh khi thua lỗ 50 pips. Với việc không đặt stop loss, bạn sẽ phải ngồi canh liên tục trên máy tính để khi giá vừa giảm xuống 50 pips là sẽ đóng lệnh ngay. Sẽ có 3 nguyên nhân khiến bạn không thể làm được điều này. Một, bạn có dám chắc mình sẽ không có bất kỳ công việc đột xuất nào xảy ra trong thời gian giao dịch, bạn có chắc là sau khi đi uống cốc nước hay đi vệ sinh thì giá vẫn sẽ chỉ biến động bình thường hay nó sẽ giảm xuống hơn 100 pips ngay khi bạn quay lại? Hai, khi giá đã giảm gần đến 50 pips, bạn sẵn sàng để đóng lệnh nhưng chỉ sau vài giây, giá đột ngột giảm mạnh khiến bạn không kịp trở tay. Thị trường biến động khôn lường và chúng ta không thể kiểm soát được nếu không có một sự tính toán trước. Ba, cho dù bạn có đóng lệnh chính xác khi giá vừa giảm xuống 50 pips nhưng con số này vẫn có thể bị chênh lệch do độ trễ của lệnh hoặc spread cao, vấn đề này phụ thuộc rất lớn vào sàn forex của bạn.
Thứ hai là thua lỗ bao nhiêu là đủ? Bạn dự định sẽ chỉ thua lỗ tối đa 50 pips cho lệnh này, nhưng khi thua lỗ sắp chạm mốc 50 pips, bạn có đủ lý trí để đóng lệnh như kế hoạch? Hay lúc đó, bạn sẽ lại cho rằng, nếu bây giờ đóng lệnh, nhỡ thị trường quay đầu đi lên thì sao, hay là cố ráng giữ lệnh thêm chút nữa, biết đâu sẽ gỡ được thua lỗ này. Tâm lý này sẽ khiến bạn dễ dàng giữ lệnh mà không thực hiện theo đúng dự tính ban đầu, nếu may mắn, giá quay đầu đi lên, ngược lại, bạn sẽ thua lỗ nhiều hơn. Để rồi những lần giao dịch sau đó, bạn sẽ vẫn tiếp tục rơi vào tình huống này và mức thua lỗ mà bạn cho là đủ đó sẽ tiếp tục tăng lên sau mỗi lần không đặt stop loss của mình.
Một sự thật nghe có vẻ nghịch lý là những trader chuyên nghiệp luôn rất nguyên tắc trong việc đặt stop loss của mình và xem đó như một phần không thể thiếu trong bất kỳ kế hoạch giao dịch nào của họ. Ngược lại, những trader mới lại rất xem nhẹ và thường xuyên phá vỡ nguyên tắc này. Và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu mà phần lớn những trader mới luôn bị thua lỗ khi bắt đầu giao dịch forex.
Cách tính Stop loss trong Forex
Để đầu tư giao dịch hiệu quả và tìm kiếm được lợi nhuận nhà đầu tư cần biết tính toán điểm đặt cắt lỗ sao cho hợp lý. Cụ thể như việc để tính Stop loss thì nhà đầu tư có thể làm như sau:
Sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật như chỉ báo kỹ thuật, mô hình giá, mô hình nến… sẽ giúp nhà đầu tư tìm ra điểm chốt lời, dừng lỗ hợp lý.
Nếu nhà đầu tư giao dịch theo tin tức thì có thể dựa vào một trong 2 cách dưới đây:
- Dựa vào tổng số vốn hiện có: Bạn có thể tính stop loss bằng 1 – 2% tổng số vốn mình đang có. Đây là cách đặt cắt lỗ cơ bản nhất cho những trader chưa am hiểu về phân tích thị trường.
- Dựa vào biến động thị trường: Nếu thị trường biến động mạnh thì đặt kích thước stop loss lớn. Ngược lại, nếu thị trường yên ả thì bạn nên đặt Stop loss gần với điểm đặt lệnh. Để có thể xác định biến động thì bạn có thể sử dụng chỉ báo Bollinger Bands.
Hướng dẫn đặt stop loss hiệu quả
Bước 1: xác định điểm vào lệnh
Sử dụng Fibonacci Retracement để tìm điểm vào lệnh. Sử dụng đoạn xu hướng giảm gần nhất và kỳ vọng khi giá điều chỉnh tăng đến mức thoái lui thì giá sẽ đảo chiều đi xuống, tiếp tục xu hướng giảm.
Chờ đợi khi giá vừa chạm vào mức thì vào lệnh Buy ngay.
Bước 2: xác định điểm stop loss, take profit
Việc xác định vị trí của stop loss phụ thuộc vào mỗi hệ thống giao dịch và điều kiện thị trường hiện tại, nhưng thông thường, đối với xu hướng có những nhịp tăng giảm rõ ràng thì vị trí đặt stop loss là các đỉnh, đáy gần nhất cũng chính là tại các mức hỗ trợ, kháng cự mạnh, khi mà giá đã phá vỡ khỏi các ngưỡng này thì xu hướng cũng bị phá vỡ, khả năng là giá sẽ tiếp tục đi theo chiều hướng phá vỡ, lúc này, mọi dự đoán của bạn đã sai.
Hoặc nếu hệ thống giao dịch của bạn sử dụng các mô hình giá để vào lệnh thì tương ứng với mỗi mô hình giá sẽ có những vị trí đặt stop loss khác nhau.
Sở dĩ các bạn nên xác định trước điểm take profit tiềm năng là để có thể tính toán được tỷ lệ Risk:Reward. Nếu tỷ lệ này tốt (trên 1:2) thì lúc đó mới nên vào lệnh, ngược lại, nếu tỷ lệ này thấp, về lâu dài, hệ thống giao dịch của bạn sẽ không mang về lợi nhuận tốt trong dài hạn.
Bước 3: xác định số tiền thua lỗ tối đa của lệnh
Với bước này, các bạn cần sử dụng một số kỹ thuật quản lý vốn hiệu quả như công thức Kelly hay quy tắc quản lý vốn 2% của những trader chuyên nghiệp… để xác định số tiền thua lỗ tối đa cho lệnh.
Giả sử tài khoản của bạn lúc này đang có số dư là 15,000 USD và sử dụng quy tắc quản lý vốn 2%, bạn chỉ cho phép tài khoản thua lỗ tối đa 2%/số dư cho lệnh này. Suy ra, số tiền thua lỗ tối đa của lệnh là 300 USD.
Bước 4: tính toán khối lượng giao dịch
Số tiền thua lỗ tối đa là 300 USD, Stop loss = 175.7 pips, suy ra, khối lượng giao dịch của lệnh sẽ là 0.17 lots.
Các bạn có thể tính ra khối lượng giao dịch dựa vào công thức sau:
Số tiền thua lỗ = khối lượng (lot) * đơn vị lot tiêu chuẩn * số pip thua lỗ * giá trị pip trên 1 đơn vị tiền tệ.
Bước 5: vào lệnh
Sau khi tính toán xong mọi thông số thì vào lệnh Buy cặp AUD/USD khi giá chạm mức F hoặc sử dụng lệnh Bán giới hạn (Sell Limit) để khớp lệnh chính xác hơn tại mức giá.
Những sai lầm thường gặp khi đặt stop loss
Đặt Stop loss quá gần
Nếu hệ thống giao dịch chỉ cho bạn vị trí đặt lệnh stop loss nhưng có vẻ như vị trí này quá gần so với điểm đặt lệnh thì bạn cần xem xét lại hoặc nới lỏng stop loss ra một chút vì đặt stop loss quá gần sẽ khiến cho lệnh của bạn dễ bị quét stop loss sớm trước khi giá chính thức đi đúng như kỳ vọng, mặc dù stop loss gần hơn thì thua lỗ sẽ giảm đi.
Đặt Stop loss quá xa
Đặt stop loss quá xa mang đến cho bạn cảm giác an tâm hơn vì cho rằng lệnh sẽ khó bị dính stop loss hơn. Tuy nhiên, nếu như dự đoán của bạn là sai hay hệ thống giao dịch của bạn có vấn đề thì stop loss dù xa cơ nào cũng sẽ bị quét.
Dời stop loss
Khi đã có sẵn một hệ thống giao dịch, một tín hiệu giao dịch tiềm năng thì các bạn tuyệt đối nên tuân thủ theo nó và đừng phá vỡ nguyên tắc. Một hệ thống giao dịch sẽ chỉ ra cho bạn vị trí đặt stop loss thích hợp, bạn phải tuân thủ đặt stop loss theo đúng vị trí đó thì mới giữ đúng ý nghĩa của stop loss, ngoại trừ trường hợp stop loss quá gần hoặc quá xa so với điểm đặt lệnh thì các bạn nên cân nhắc hoặc tìm phương án thay thế nhưng vẫn phải phù hợp với chiến lược của mình, không thay đổi một cách bừa bãi, không căn cứ.
Với những thông tin chi tiết về cách đặt Stop loss mà Giavang.com đã cung cấp, chắc phần nafp đã giúp cho các bạn hiểu được làm thế nào để đặt lệnh một cách đúng nhất. Chúc các bạn có được những giao dịch thành công.