Kế hoạch lừa đảo của các dự án Ponzi trong thị trường crypto diễn ra như thế nào? Cùng giavang.com tìm hiểu cách những kẻ gian lợi dụng lòng tin của người khác để tạo ra một hệ thống lừa đảo tinh vi, và cách mà bạn có thể phòng tránh những chiêu trò lừa đảo này.
Mục Lục
Kế hoạch Ponzi là gì?
Kế hoạch Ponzi là một kế hoạch đầu tư gian lận, trong đó một nhà điều hành trả tiền lãi cho các khoản đầu tư từ vốn có được từ các nhà đầu tư mới, thay vì từ lợi nhuận đầu tư hợp pháp.
Những người điều hành kế hoạch Ponzi lôi kéo các nhà đầu tư mới với tỷ lệ hoàn vốn ngắn hạn cao bất thường. Kẻ lừa đảo thu lợi nhuận bằng cách thu phí đối với “các khoản đầu tư” hoặc đơn giản là bỏ trốn bằng tiền của các nhà đầu tư. Các kế hoạch Ponzi thường sụp đổ khi không có đủ vốn mới để trả cho nhóm các nhà đầu tư hiện tại.
>> Ponzi là gì? Dấu hiệu nhận biết Ponzi để phòng tránh
Hiện trạng thị trường crypto
Tính đến thời điểm hiện tại, trên CoinMarketCap đang có hơn 20.000 token, đồng nghĩa với việc đang có hơn 20.000 dự án khác nhau đang phát triển.
Đa phần những dự án này đều là lừa đảo hoặc đang vận hành theo mô hình Ponzi. Người sáng lập những dự án đó chỉ chờ đợi cơ hội để lấy tiền của những nhà đầu tư thiếu hiểu biết và kinh nghiệm mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.
Những nhà đầu tư ban đầu trong một dự án tiền mã hóa thường là các nhà đầu tư mạo hiểm hoặc những yield farmer. Người tham gia sớm thường sẽ nhận được lợi nhuận cao, từ đó thu hút được các nhà đầu tư chính thống tham gia. Khi họ quyết định đầu tư, đó là lúc họ trở thành những người trả lợi nhuận cho người tham gia trước họ.
Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, dự án Ponzi sẽ không còn thu hút được những nhà đầu tư mới và bắt buộc phải dừng hoạt động.
Tóm lại, mô hình Ponzi sẽ lấy tiền đầu tư từ những nhà đầu tư mới để trả lợi nhuận cho người tham gia trước đó.
Kế hoạch lừa đảo của các dự án Ponzi trong thị trường crypto
Tạo token và xác định giá trị thị trường
Hành động đầu tiên của kế hoạch Ponzi là tạo token và xác định giá trị thị trường. Những nền tảng phi tập trung không yêu cầu xác minh KYC hoặc những thủ tục nhận dạng khác sẽ là nền tảng mà hành động này hướng đến. Đồng thời, các nhà đầu tư như VC, yield farmer đã tham gia nền tảng đó.
Tạo một trang web và một whitepaper
Hai công cụ tất yếu của một dự án là website và whitepaper. Các dự án này thường sẽ không chi tiết hoặc có thể là bản sao của một dự án hợp pháp nào đó. Tuy nhiên, những nhà đầu tư không chuyên sẽ không thể nào kiểm tra các chi tiết kỹ thuật của dự án.
Nền tảng DeFi sẽ là nơi mà các token này được niêm yết chứ không phải sàn giao dịch tập trung. Bởi vì các sàn giao dịch tập trung thường yêu cầu quy trình thẩm định dự án nhằm xác minh tính hợp pháp trước khi niêm yết token. Do đó, có thể thấy rằng nền tảng DeFi là nơi tồn tại nhiều rủi ro do nó không chịu sự kiểm soát của bất kỳ bên trung gian nào.
Thu hút nhà đầu tư
Đa phần các dự án Ponzi sẽ dễ thất bại tại hành động thứ ba này bởi lẽ hầu như không có một lý do chính đáng nào để một nhà đầu tư tham gia vào những dự án này.
Tuy nhiên, nếu như hành động thứ 3 này thực sự thành công thì đây sẽ là một rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư. Khi dự án Ponzi thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, dự án sẽ phát triển trong cộng đồng và trở thành xu hướng chủ đạo. Lúc ấy, sẽ có một số kênh Youtube, bài blog, bài viết trên Twitter, Telegram,…đề cập đến dự án.
Tiếp đến giá sẽ bắt đầu tăng và lợi nhuận sẽ được x2, x3, x5, x10 (có thể nhiều hơn) trong vài tuần đầu tiên. Hiệu ứng quả cầu tuyết sẽ tiếp tục diễn ra, có nhiều người sẽ bàn luận về dự án đó, và nói rằng lợi nhuận họ nhận được ngày càng gia tăng và “không có dấu hiệu dừng lại”.
Và hiệu ứng FOMO sẽ diễn ra, khi giá một token tăng mạnh trọng thời gian ngắn, bạn sẽ có suy nghĩ rằng những nhà đầu tư ngoài kia đang thu được lợi nhuận rất tốt. Và bạn bắt đầu đặt thật nhiều tiền vào token ấy. Bạn thậm chí có thể nhận được 20% – 30% trong ngày, nhưng bạn vẫn chưa thật sự hài lòng với con số đó. Và dần dần, bạn sẽ nhận được kết quả dưới đây.
Không có nhà đầu tư mới tham gia, giá đột ngột giảm mạnh
Khi không có thêm các nhà đầu tư mới tham gia vào dự án này thì giá sẽ phút chốc giảm 30%. Bạn sẽ cho rằng giá sẽ phục hồi, tuy nhiên giá vẫn tiếp tục giảm, và sẽ giảm xuống gần 99%.
Tức là khi dự án không thể thu hút được nhà đầu tư mới mua token, các nhà lãnh đạo dự án, nhà đầu tư mạo hiểm ban đầu, yield farmer bắt đầu rút tiền khỏi dự án.
Các token có thể không thực sự bị khóa tại thời gian cụ thể như dự án đã cam kết ban đầu. Sau khi đội ngũ phát triển thấy lợi nhuận x1.000 – x10.000 và xem xét bối cảnh hiện tại xem có còn động lực để cho nhóm tiếp tục xây dựng dự án hoặc cho các VC tạo ra lợi nhuận hay không, họ có thể xả token. Khi áp lực bán quá lớn, giá trị của token sẽ giảm về gần bằng không. Và kế hoạch Ponzi sẽ kết thúc tại đây.
Mẹo để không rơi bẫy của các dự án Ponzi
Nhà đầu tư cần phải luôn giữ được cái đầu “lạnh”,luôn tỉnh táo trước khi tham gia vào bất kỳ dự án tiền mã hóa nào. Sau đây là 3 mẹo để nhà đầu tư tránh bẫy của các dự án Ponzi:
Xem xét tỷ lệ rủi ro trên phần thưởng (risk/reward)
Việc xem xét tỷ lệ rủi ro trên phần thưởng sẽ giúp bạn xác định được số tiền bản thân sẵn sàng đầu tư. Tuyệt đối không dùng tất cả số tiền mà mình có hoặc đi vay mượn để đầu tư vào thứ không chắc chắn. Thay vào đó, chỉ đầu tư bằng số tiền mà bạn có thể mất, và luôn luôn xem xét tình huống xấu nhất.
Đặt mức cắt lỗ và chốt lời
Bạn sẽ có thể hạn chế được tình trạng cháy tài khoản khi giá của token đột ngột giảm mạnh bằng cách đặt các mức chốt lời và dừng lỗ. Trường hợp giá tăng, hãy chốt lời và cân bằng lại danh mục đầu tư. Nếu bạn chẳng may đầu tư vào một dự án Ponzi, việc cắt lỗ sẽ giúp bạn không phải đau đầu và hối tiếc.
Nhận thông tin chi tiết về dự án
Trước khi đầu tư bạn cần phải tìm hiểu chi tiết dự án đó chuyên về lĩnh vực gì, nhóm/cộng đồng đứng sau nó là ai, tiến hành xác nhận xem token có bị khóa hay không thông qua nghiên cứu on-chain và token có bền vững trong dài hạn hay không.
Nếu như bạn không tin vào dự án, thì đừng nên đầu tư vào nó. Nếu không có một lập luận chắc chắn nào ủng hộ việc bạn đầu tư vào dự án đó, thì bạn không nên chạy theo đám đông, không nên để mình chạy theo hiệu ứng FOMO.
Lời kết
Bài viết trên đã nêu ra kế hoạch lừa đảo của các dự án Ponzi trong thị trường crypto. Đồng thời cũng đưa ra mẹo giúp bạn tránh khỏi bẫy của những dự án Ponzi. Hy vọng bài viết đem đến cho bạn những kiến thức cần thiết và hữu ích. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết.
Bài viết liên quan: