Mô hình nến Hammer được biết đến là một trong những tín hiệu có thể giúp bạn xác định các xu hướng mới. Vậy chính xác thì mô hình nến Hammer là gì? Làm thế nào để xác định được mẫu nến này trên biểu đồ Forex? Hãy cùng với Giavang.com đi tìm hiểu thông qua bài viết hôm nay nhé!
Mục Lục
- 1 Mô hình nến Hammer là gì?
- 2 Cách xác định mô hình nến Hammer trên biểu đồ ngoại hối
- 3 Phân loại mô hình nến Hammer
- 4 Phân biệt mô hình nến Hammer và Hanging Man
- 5 Ý nghĩa của mô hình nến Hammer
- 6 Cách giao dịch hiệu quả với mô hình nến Hammer
- 7 Hạn chế của mô hình nến Hammer
- 8 Những lưu ý khi giao dịch với mô hình nến Hammer
Mô hình nến Hammer là gì?
Mô hình nến Hammer (hay còn gọi là nến búa) là một mô hình nến Nhật được sử dụng trong phân tích kỹ thuật để xác định tín hiệu đảo chiều từ xu hướng giảm sang xu hướng tăng. Mô hình này có hình dạng giống với “chiếc búa”, với thân nến nhỏ nằm gần đỉnh và bóng nến dưới dài gấp ít nhất hai lần thân nến, thể hiện sự từ chối áp lực bán mạnh và khả năng đảo chiều giá.
>> Nến búa ngược là gì? Cách áp dụng mô hình Inverted Hammer hiệu quả
Cách xác định mô hình nến Hammer trên biểu đồ ngoại hối
Về cơ bản, mô hình nến búa (Hammer) có đặc điểm tương đối giống với nến người treo cổ (Hanging Man) nhưng nó lại là phiên bản đảo ngược. Do đó, để có thể không bị nhầm lẫn mô hình nến búa với những mô hình nến khác, các trader cần phải ghi nhớ rõ một số đặc điểm nhận dạng tiêu biểu sau đây:
- Phần thân nến nằm ở phía trên và có độ dài khá ngắn do sự ít chênh lệch giữa giá mở cửa và giá đóng cửa.
- Bóng nến trên rất ngắn hoặc có thể không có.
- Bóng nến dưới dài gấp 2-3 lần so với phần thân nến. Phần bóng nến này càng dài thì càng thể hiện mạnh tín hiệu đảo chiều trong tương lai.
- Màu sắc của nến có thể là đỏ hoặc xanh. Nến đỏ thể hiện nến giảm còn xanh thể hiện nến tăng. Trong đó, tín hiệu đảo chiều xu hướng giá từ nến xanh sẽ mạnh hơn nến đỏ.
Phân loại mô hình nến Hammer
Hiện nay, mô hình nến búa được chia làm 2 loại là: nến Bullish Hammer (nến Hammer tăng) và nến Bearish Hammer (nến Hammer giảm).
Nến Bullish Hammer
Đây là cây nến Hammer tăng, có thân màu xanh, giá mở cửa < giá đóng cửa, còn các đặc điểm khác đều giống với đặc điểm chung của nến Hammer. Khi nến Bullish Hammer xuất hiện, điều này cho thấy bên phía phe mua đã thành công trong việc đẩy giá lên cao và kết phiên cao hơn thời điểm mở cửa.
Nến Bearish Hammer
Đây là cây nến Hammer đỏ giảm hay còn được gọi là nến đỏ rút chân, có giá đóng cửa < giá mở cửa và các đặc điểm khác vẫn giống như mô hình nến Hammer thông thường. Theo đó, sự hiện hiện của nến Bearish Hammer trên biểu đồ giá có ý nghĩa rằng bên phía phe mua đã thất bại trong việc đẩy giá lên mức cao vào thời điểm kết phiên, khiến giá tụt lại dưới mức mở cửa. Đây cũng được xem là lý do khiến mẫu Bearish ít tin cậy hơn Bullish.
Phân biệt mô hình nến Hammer và Hanging Man
Như đã có đề cập ở trên, mô hình nến Hammer và nến Hanging man khá là giống nhau về phần đặc điểm cấu tạo giữa chúng. Theo đó, cả 2 nến này đều có phần thân nến nhỏ và bóng nến dài gấp hai lần thân hướng xuống phía dưới. Và để cho các trader không còn bị nhầm lẫn giữa 2 mô hình này, Giavang.com đã thiết lập một bảng so sánh chi tiết như sau:
Nến Hanging Man | Nến Hammer |
Xuất hiện ở cuối xu hướng tăng | Xuất hiện ở cuối xu hướng giảm |
Bên mua đang rất mạnh nhưng bên bán có dấu hiệu kiểm soát lại thị trường | Bên bán đang rất mạnh nhưng bên mua có dấu hiệu giành lại ưu thế trên thị trường |
Báo hiệu giá có xu hướng đảo chiều giảm | Báo hiệu giá có xu hướng đảo chiều tăng |
Nhà đầu tư nên dừng mua vào và bắt đầu bán ra cổ phiếu khi xác nhận mô hình Hanging Man | Nhà đầu tư nên dừng bán cổ phiếu và bắt đầu mua vào khi xác nhận mô hình Hammer. |
Ý nghĩa của mô hình nến Hammer
Mô hình nến Hammer thường xuất hiện vào thời điểm cuối xu hướng giảm trong những phiên giao dịch có giá biến động mạnh. Đây là dấu hiệu cảnh báo sự đảo chiều sắp diễn ra, với lực mua gia tăng và lực bán suy yếu, thể hiện rằng người mua không còn chấp nhận giá thấp hơn. Khi đó, các trader có thể sử dụng mô hình này để cân nhắc cắt lỗ, chốt lời hoặc thiết lập lệnh giao dịch mới.
Thông thường, nến Hammer sẽ phát huy tác dụng hiệu quả hơn cứ sau khoảng 3 nến giảm hoặc sau một chuỗi giảm dài hạn. Tại thời điểm này, mức giá đóng cửa của các cây nến giảm sẽ liên tục < mức giá đóng cửa của các cây nến ở liền trước đó.
Cách giao dịch hiệu quả với mô hình nến Hammer
Xác định điểm vào lệnh, chốt lời và cắt lỗ
Vì mô hình nến Hammer thích hợp với chiến lược Day Trading, nên khung thời gian giao dịch lý tưởng nhất chính là khung D1 (1 ngày) và sau đó là khung thời gian H4 (4 giờ).
Để xác định điểm vào lệnh, các trader có thể lựa chọn 1 trong 3 cách sau:
- Cách 1: Vào lệnh BUY tại mức giá bằng với 50% chiều dài của toàn bộ cây nến búa. Đây được xem là điểm entry tiêu chuẩn vì nó giúp các trader thu được mức lợi nhuận cao nhất khi mà mô hình xảy ra đúng.
- Cách 2: Vào lệnh BUY ở mức giá mở cửa của cây nến xác nhận (cây nến ngay sau cây nến Hammer). Cách mở lệnh như này sẽ có độ an toàn và ít rủi ro hơn ở trong trường hợp giá không tăng như kỳ vọng. Tuy nhiên, trader sẽ thu được phần lợi nhuận ít hơn.
- Cách 3: Vào lệnh BUY ngay sau khi mà kết thúc phiên giao dịch hình thành cây nến Hammer.
Đối với các trader mới tham gia vào thị trường ngoại hối, chưa có quá nhiều kinh nghiệm trong việc giao dịch thì lựa chọn cách vào lệnh thứ 2 sẽ là thích hợp nhất.
- Điểm cắt lỗ: Ở dưới bóng nến của cây nến búa 2-3 pips.
- Điểm chốt lời: Ở phía trên mức giá cao nhất của cây nến Hammer khi mà tỷ lệ R:R đạt 1:1 hoặc có thể đạt được tỷ lệ R:R tiêu chuẩn là 1:2.
Kết hợp cùng với các chỉ báo kỹ thuật
- Sử dụng vùng hỗ trợ
Khi nến Hammer hình thành ngay tại các khu vực hỗ trợ thì xác suất giá sẽ đảo chiều đi lên là rất cao. Sau khi xác định xu hướng thị trường chung đang giảm, các trader hãy đợi cho mô hình nến Hammer xuất hiện tại vùng giá hỗ trợ và mở lệnh BUY ngay khi mà nến búa kết thúc. Mức cắt lỗ (stop loss) sẽ được đặt ở ngay phía dưới đuôi nến một vài pips.
Ngoài ra, để có thể chắc chắn rằng giá sẽ đi đúng như dự định, trader cũng có thể vào lệnh BUY khi mà cây nến xác nhận đã hình thành.
- Kết hợp với chỉ báo RSI
RSI là một đường chỉ báo kỹ thuật vô cùng phổ biến trong việc cung cấp các tín hiệu đảo chiều uy tín và được phần lớn các trader rất ưa chuộng. Khi xác định các vùng quá mua/quá bán, các trader hãy nên sử dụng đường chỉ báo RSI 20 và RSI 80.
Nếu đường RSI tiến vào vùng quá bán cắt ở ngưỡng 20 trở xuống, cùng lúc đó, mô hình nến Hammer cũng được hình thành một cách hoàn chỉnh thì các trader hãy vào lệnh BUY tại mức giá kết thúc phiên của nến búa. Mức cắt lỗ lý tưởng sẽ là ngay ở dưới phần đuôi của nến Hammer.
Bên cạnh 2 chỉ báo đã quá đỗi quen thuộc đối với giới trader bên trên, các bạn cũng có thể kết hợp mô hình nến Hammer cùng với một số các chỉ báo khác kỹ thuật hiệu quả khác, chẳng hạn như Fibonacci, đường MA,…
Ví dụ giao dịch với mô hình nến Hammer
Dưới đây là một ví dụ cụ thể về sự xuất hiện của nến Hammer vào đầu năm 2019 giúp cung cấp tín hiệu đảo chiều xu hướng trên đồ thị VN30. Theo đó, tín hiệu đảo chiều này được xác nhận khi các cây nến liền sau duy trì mức đóng cửa cao hơn, tạo ra “Gap” tăng giá.
Traders có thể sử dụng các chỉ báo kỹ thuật khác để tăng độ tin cậy của tín hiệu. Ngay trong phiên xuất hiện của nến Hammer, dải Bollinger bắt đầu hỗ trợ giá, chỉ báo MACD cung cấp tín hiệu phân kỳ dương, và chỉ báo RSI cho thấy sự đồng thuận với tín hiệu tăng dần sau khi mô hình Vai-Đầu-Vai đảo chiều hoàn chỉnh. Trong các phiên giao dịch tiếp theo, tính thanh khoản đã được cải thiện lên mức đáng kể và được xem như là một yếu tố tích cực.
Hạn chế của mô hình nến Hammer
Một trong những điểm trừ lớn nhất của mô hình nến Hammer đó chính là không có gì chắc chắn rằng giá sẽ tiếp tục tăng sau khi nến được xác nhận. Dù mô hình này có thể tạo động lực cho giá tăng mạnh, điều đó không có nghĩa xu hướng tăng sẽ được duy trì. Điều này khiến cho các trader phải đối mặt với việc đặt lệnh stop loss xa vị trí vào lệnh, làm gia tăng nguy cơ mất mát mà không chắc chắn về lợi ích tiềm năng có thể đạt được.
Ngoài ra, mô hình nến Hammer còn làm cho việc xác định lợi nhuận tiềm năng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết do mẫu nến này không có cung cấp một mục tiêu giá cụ thể. Do đó, các trader cần phải kết hợp thêm với các mô hình khác hoặc sử dụng phân tích nến khác để xác định các điểm thoát lệnh hợp lý.
Những lưu ý khi giao dịch với mô hình nến Hammer
- Nến Hammer không nên được sử dụng đơn độc, đặc biệt là khi xác nhận tín hiệu đảo chiều xu hướng. Theo đó, trader có thể kết hợp cùng với các chỉ báo kỹ thuật như RSI, Fibonacci, đường MA,…
- Nếu volume giao dịch thấp trước khi cây nến Hammer hình thành trọn vẹn, điều này cho thấy lượng bán đang yếu dần đi. Khi đó, mô hình nến búa sẽ có được tín hiệu đảo chiều tăng một cách mạnh mẽ cũng như mức độ chính xác cao hơn.
- Traders nên đặt mô hình nến Hammer trên một khoảng thời gian đủ dài (có thể áp dụng D1, H4 là tối thiểu). Điều này sẽ giúp cho việc dự đoán xu hướng thị trường có độ chính xác cao hơn.
- Bóng nến dưới càng dài thì chứng tỏ mô hình nến Hammer càng đáng tin cậy.
- Khi thị trường đang ở xu hướng sideway (đi ngang), traders cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và hạn chế khi mà quyết định thực hiện giao dịch. Vì nến búa không phải là một cây nến dự báo xu hướng nên trong một số trường hợp vẫn có thể cho thấy tín hiệu đảo chiều sai lệch.
Bên trên là toàn bộ những thông tin liên quan đến mô hình nến Hammer. Bên cạnh đó, Giavang.com còn cung cấp cho traders cách để nhận dạng và giao dịch hiệu quả dựa trên mô hình nến búa này. Hy vọng những chia sẻ vừa rồi đã mang đến cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích. Chúc các trader có một ngày giao dịch thành công!