Việc hiểu rõ về cách tính lãi tín dụng là một yếu tố then chốt để quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả. Ngoài việc là một thành phần quan trọng trong việc sử dụng thẻ tín dụng, lãi suất tín dụng còn ảnh hưởng đến khả năng vay mượn và lựa chọn chi tiêu hàng ngày của bạn. Vậy cụ thể có bao nhiêu loại lãi suất thẻ tín dụng? Cách tính lãi tín dụng? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây.
Mục Lục
Tìm hiểu về lãi suất thẻ tín dụng
Lãi suất thẻ tín dụng là gì?
Lãi suất thẻ tín dụng là một khoản phí mà người sử dụng thẻ tín dụng phải trả khi họ không thanh toán toàn bộ số tiền nợ trong khoảng thời gian quy định hoặc chi tiêu quá đà. Khi bạn sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm hoặc thực hiện các giao dịch khác, số tiền đó sẽ được coi là nợ đối với bạn.
Nếu bạn không trả hết nợ trước thời hạn thanh toán thì ngân hàng sẽ tính lãi suất lên số tiền nợ còn lại. Lãi suất thẻ tín dụng thường được tính theo tỷ lệ hàng tháng hoặc hàng năm. Nó có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện và quy định của ngân hàng cung cấp thẻ tín dụng.
Lãi suất thẻ tín dụng có thể trở thành một chi phí đáng kể nếu bạn không thanh toán nhanh chóng. Để tránh chi phí lãi suất cao, quan trọng nhất là bạn nên thanh toán toàn bộ số tiền nợ trong thời hạn quy định hoặc ít nhất thanh toán một khoản tối thiểu được yêu cầu.
- Cập nhật các loại thẻ tín dụng phổ biến ở Việt Nam
- Mất thẻ tín dụng phải làm sao? Rủi ro khi mất thẻ tín dụng
- 6 cách cải thiện điểm tín dụng đơn giản, hiệu quả nhất
- Tổng hợp các loại phí thẻ tín dụng bạn cần biết
Trường hợp nào phát sinh lãi suất thẻ tín dụng?
Lãi suất thẻ tín dụng phát sinh trong những trường hợp nhất định, cụ thể:
- Khi không trả dư nợ tối thiểu đúng hạn: Đây là tiền lãi hoặc phí trả chậm mà chủ thẻ phải gánh chịu do không thanh toán số tiền tối thiểu theo quy định. Chi phí trả chậm dao động từ 4 đến 6% số tiền tối thiểu còn nợ, tùy thuộc vào ngân hàng.
- Không thanh toán toàn bộ dư nợ trong thời gian miễn lãi 45 ngày: Nếu chủ thẻ không thực hiện thanh toán toàn bộ số tiền dư nợ thì sẽ bị tính lãi trên tổng số tiền đã sử dụng chứ không phải số tiền còn thiếu hay hạn mức quy định. Mức lãi suất này khá cao dao động khoảng trên 20%.
- Ngoài ra, lãi suất thẻ tín dụng còn phát sinh trong trường hợp chủ thẻ sử dụng thẻ để rút tiền mặt, quy đổi ngoại tệ tại các quốc gia khác.
Phân loại lãi suất thẻ tín dụng
Dưới đây là một số loại lãi suất thẻ tín dụng phổ biến:
- Lãi suất chung
Bản chất của thẻ tín dụng là vay tiêu dùng – vay trước, trả tiền sau. Do đó, mức lãi suất này dao động từ 12 đến 17% tùy theo ngân hàng và sản phẩm thẻ tín dụng, tương đương với mức lãi suất của các khoản vay thông thường.
- Lãi suất rút tiền mặt
Bạn phải trả thêm 3-5% giá trị giao dịch như phí rút tiền nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng rút tiền mặt ở ATM/POS.
- Lãi suất đổi ngoại tệ
Đây là chi phí liên quan đến việc sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng ở nước ngoài. Tùy theo chính sách của từng ngân hàng, lãi suất cho chi phí chuyển đổi ngoại tệ dao động từ 2 đến 4% số tiền giao dịch. Tuy nhiên, với sự tiện lợi của thẻ tín dụng chi tiêu trên phạm vi toàn thế giới thì mức phí này cũng rất đáng.
Cách tính lãi tín dụng đơn giản
Mỗi loại lãi suất thẻ tín dụng sẽ có cách tính khác nhau. Cụ thể:
Tính lãi suất khi rút tiền mặt tại ATM hoặc ứng tiền mặt tại thiết bị đọc Thẻ POS
Bạn sẽ bị tính phí rút tiền nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng của mình để rút tiền tại ATM hoặc POS. Chi phí này sẽ phát sinh sau khi hoàn thành giao dịch rút tiền.
Ví dụ
Ngày 1/4 bạn rút tiền tại máy ATM với số tiền là 3 triệu và chu kỳ thanh toán là từ 1/4 đến ngày 15/5 với mức lãi suất chung 20%, phí rút tiền mặt là 3%. Tới ngày 20/5 bạn mới thanh toán 3 triệu (trường hợp không phát sinh bất kỳ giao dịch nào khác) thì các khoản phí bạn phải chi trả:
- Phí rút tiền mặt: 3 triệu x 3% = 90.000 VNĐ
- Tính lãi suất từ ngày 1/4 đến ngày 20/5 là: 3 triệu x 20% /365 x 50 ngày = 82.192 VNĐ.
- Tổng chi phí phải trả khi rút tiền mặt tại ATM là: 90.000 + 82.192 = 172.192 VNĐ.
Cách tính lãi tín dụng khi giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ
Tính lãi khi chủ thẻ thực hiện các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ với thẻ tín dụng sẽ có 2 trường hợp xảy ra.
- Trường hợp 1:
Nếu vào ngày đến hạn thanh toán, chủ thẻ thanh toán toàn bộ số dư trên sao kê (bao gồm dư nợ của kỳ trước, dư nợ rút tiền mặt và thanh toán hàng hóa, dịch vụ, lãi, phí, phạt (nếu có) của kỳ sao kê đó), ngân hàng sẽ không thu lãi cho toàn bộ giao dịch trong kỳ sao kê đó của chủ thẻ.
Ví dụ: Bạn sử dụng thẻ tín dụng có thời gian miễn lãi là 45 ngày. Chu kỳ thanh toán là từ ngày 30/4-30/5, ngày đến hạn thanh toán là 15/6, lãi suất áp dụng là 20%/năm. Không có dư nợ đầu kỳ và trong 30 ngày của tháng 5 đã sử dụng thẻ tín dụng thực hiện các chi tiêu:
- Ngày 8/5 thanh toán mua hàng tại Big C 3 triệu.
- Ngày 15/5 thanh toán tiền hóa đơn 2 triệu.
- Ngày 10/6 trả ngân hàng tổng 5 triệu.
Như vậy, bạn đã hoàn thành nghĩa vụ trong thời gian miễn lãi và bạn sẽ không bị mất bất kỳ một khoản phí nào.
- Trường hợp 2
Tới thời hạn thanh toán, chủ thẻ trả nợ ít nhất bằng khoản thanh toán tối thiểu, ngân hàng sẽ tính lãi đối với tất cả các giao dịch trong kỳ sao kê kể từ ngày giao dịch thẻ được cập nhật vào hệ thống quản lý thẻ của ngân hàng cho đến ngày trả nợ. Phần dư nợ còn lại (gốc, lãi, phí, phạt) chưa thanh toán sẽ tiếp tục bị tính lãi và được thể hiện trên sao kê của kỳ sao kê tiếp theo.
Ví dụ: Bạn sử dụng thẻ tín dụng có thời gian miễn lãi là 45 ngày. Chu kỳ thanh toán là từ ngày 30/4-30/5, ngày đến hạn thanh toán là 15/6, lãi suất áp dụng là 20%/năm, số dư nợ tối thiểu cần thanh toán là 5% tổng tiền chi tiêu. Không có dư nợ đầu kỳ và trong 30 ngày của tháng 5 đã sử dụng thẻ tín dụng thực hiện các chi tiêu:
- Ngày 8/5 thanh toán mua hàng tại Big C 3 triệu. Dư nợ 1 là 3 triệu.
- Ngày 15/5 thanh toán tiền hóa đơn 2 triệu. Dư nợ 2 là 5 triệu
- Ngày 30/5 trả ngân hàng 3 triệu. Dư nợ 3 (số nợ còn lại) là 2 triệu.
Trong trường hợp này bạn đã thanh toán đủ số dư tối thiểu và dư nợ tại thời điểm ngày 15/6 vẫn còn 2 triệu thì số tiền lãi sẽ bị tính gồm:
- Số dư nợ 1 từ ngày 8/5 đến 14/5: Tiền lãi = 3 triệu x 20%/365 x 7 ngày = 11.507 VNĐ.
- Số dư nợ 2 từ ngày 15/5 đến 29/5: Tiền lãi = 5 triệu x 20%/365 x 15 ngày = 41.096 VNĐ.
- Số dư nợ 3 từ ngày 1/6 đến 15/6: Tiền lãi = 2 triệu x 20%/365 x 15 ngày = 16.438 VNĐ.
Tổng lãi mà bạn cần phải thanh toán tới ngày 15/6 là:
11.507 + 41.096 + 16.438 = 69.041 VNĐ
Ngoài ra, số tiền 2 triệu vẫn bị tính tiếp lãi cho tới thời điểm bạn thanh toán trả ngân hàng.
Cách tính lãi tín dụng khi không thanh toán khoản thanh toán tối thiểu
Người tiêu dùng sẽ bị phạt trả chậm và lãi quá hạn nếu họ không trả số tiền tối thiểu còn nợ, thường là 5-10 % toàn bộ số tiền chi tiêu.
Trong vòng 60 ngày đầu kể từ ngày đến hạn thanh toán, khoản thanh toán tối thiểu sẽ bị tính phạt chậm trả và lãi suất quá hạn (hiện tại đang quy định bằng lãi suất trong hạn), số dư nợ còn lại (sau khi trừ đi số tiền thanh toán tối thiểu) vẫn tính lãi suất trong hạn.
Nếu sau 60 ngày, chủ thẻ không thanh toán đủ khoản thanh toán tối thiểu thì toàn bộ dư nợ chưa thanh toán phải chịu lãi suất quá hạn (hiện tại đang quy định bằng lãi suất trong hạn) và khoản phạt chậm trả.
Ví dụ
Bạn sử dụng thẻ tín dụng có thời gian miễn lãi là 45 ngày. Chu kỳ thanh toán là từ ngày 30/4-30/5, ngày đến hạn thanh toán là 15/6, lãi suất áp dụng là 20%/năm, số dư nợ tối thiểu cần thanh toán là 5% tổng tiền chi tiêu. Phí trả chậm tối thiểu 150.000 VNĐ và bằng 5% số dư tối thiểu cần trả. Không có dư nợ đầu kỳ và trong 30 ngày của tháng 5 đã sử dụng thẻ tín dụng thực hiện các chi tiêu:
- Ngày 8/5 thanh toán mua hàng tại Big C 3 triệu. Dư nợ 1 là 3 triệu.
- Ngày 15/5 thanh toán tiền hóa đơn 2 triệu. Dư nợ 2 là 5 triệu
- Ngày 20/6 trả ngân hàng 3 triệu. Dư nợ 3 (số nợ còn lại) là 2 triệu.
Trong trường hợp này bạn đã không thanh toán đủ số dư tối và dư nợ tại thời điểm ngày 15/6 vẫn còn 5 triệu thì số tiền lãi sẽ bị tính gồm:
- Số dư nợ 1 từ ngày 8/5 đến 14/5: Tiền lãi = 3 triệu x 20%/365 x 7 ngày = 11.507 VNĐ.
- Số dư nợ 2 từ ngày 15/5 đến 20/6: Tiền lãi = 5 triệu x 20%/365 x 36 ngày = 98.360 VNĐ.
- Tính phí trả chậm: (5% x 5 triệu) x 5% phí trả chậm = 12.500 < 150.000 nên tính phí trả chậm là 150.000 VNĐ
Tổng lãi mà bạn cần phải thanh toán tới ngày 20/6 là:
11.507 + 98.360 + 150.000 = 259.867 VNĐ
Ngoài ra, số tiền 2 triệu vẫn bị tính tiếp lãi cho tới thời điểm bạn thanh toán trả ngân hàng.
Bí quyết sử dụng thẻ tín dụng thông minh tránh lãi cao
Sử dụng thẻ tín dụng thông minh có thể mang lại nhiều lợi ích, từ tích điểm thưởng đến quản lý tài chính hiệu quả. Dưới đây là một số mẹo để bạn sử dụng thẻ tín dụng một cách thông minh:
- Thanh toán đầy đủ: Luôn cố gắng thanh toán toàn bộ số tiền nợ trước hạn thanh toán cuối cùng để tránh chi phí lãi suất.
- Kiểm soát chi tiêu: Thiết lập một ngân sách và tuân thủ nó khi sử dụng thẻ tín dụng. Hãy chỉ sử dụng thẻ để mua sắm mà bạn có khả năng thanh toán.
- Tận dụng ưu đãi đặc biệt: Nếu thẻ tín dụng của bạn có ưu đãi như hoàn tiền, điểm thưởng, hoặc lãi suất 0% trong giai đoạn đặc biệt, hãy tận dụng những ưu đãi này khi có thể.
- Theo dõi giao dịch: Kiểm tra đều đặn sao kê thẻ tín dụng của bạn để đảm bảo rằng mọi giao dịch đều đúng và không có giao dịch gian lận.
- Chuyển đổi nợ với lãi suất thấp: Nếu bạn có nợ trên thẻ tín dụng với lãi suất cao, xem xét việc chuyển đổi nó sang thẻ có lãi suất thấp hơn để giảm chi phí lãi suất.
- Điều chỉnh hạn mức tín dụng: Nếu bạn thường xuyên có chi tiêu quanh hạn mức tín dụng, xem xét việc điều chỉnh hạn mức xuống để giúp kiểm soát tốt hơn.
- Sử dụng ứng dụng di động: Nhiều ngân hàng và tổ chức phát hành thẻ tín dụng cung cấp ứng dụng di động giúp bạn theo dõi tình hình tài chính, xem sao kê, và nhận thông báo giao dịch.
- Bảo vệ thông tin cá nhân: Bảo vệ thông tin thẻ tín dụng của bạn và không chia sẻ thông tin thẻ qua điện thoại hoặc email không an toàn.
- Giao dịch trực tuyến an toàn: Chắc chắn rằng bạn chỉ thực hiện giao dịch trực tuyến trên các trang web an toàn và có địa chỉ HTTPS.
- “Thận trọng với lãi suất 0%”: Nếu sử dụng ưu đãi lãi suất 0%, đảm bảo bạn hiểu rõ điều kiện và thời gian áp dụng, và cố gắng thanh toán nhanh chóng trước khi kỳ hạn kết thúc để tránh chi phí lãi suất cao sau đó.
Bằng cách sử dụng thẻ tín dụng một cách thông minh, bạn có thể tận dụng những ưu điểm mà nó mang lại và đồng thời tránh được những rủi ro tài chính.
Lời kết
Trên đây là những thông tin về cách tính lãi tín dụng mà giavang.com tổng hợp. Không thể phủ nhận, thẻ tín dụng đem đến nhiều lợi ích khi sử dụng. Tuy nhiên, bạn cần nắm rõ các loại phí, lãi suất để lên kế hoạch chi tiêu hợp lý.