Một giao dịch có được thực hiện thành công hay không thường sẽ phụ thuộc khá nhiều vào việc xác định thời điểm mua bán cổ phiếu. Bài viết này sẽ giúp bạn xác định thời điểm mua bán cổ phiếu một cách đơn giản và chính xác nhất.
Mục Lục
Một số khái niệm
Khi tham gia đầu tư chứng khoán, ngoài việc biết cách phân tích doanh nghiệp, nhận diện được một công ty có tiềm năng phát triển tốt thì các nhà đầu tư còn phải biết cách xác định thời điểm mua bán cổ phiếu thật hợp lý.
Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào tìm hiểu cách xác định “thời điểm vàng” này thì các nhà đầu tư cần tìm hiểu về các yếu tố hay nhân tố có thể ảnh hưởng đến giao dịch. Cụ thể
Nhà đầu tư nhỏ lẻ
Phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đây là các nhà đầu tư có số vốn rất nhỏ, không đủ sức ảnh hưởng đến giá của các cổ phiếu đã niêm yết trên các sàn giao dịch.
Bất kể người Việt Nam nào cũng có thể tham gia đầu tư chứng khoán vì hiện tại, chưa có một quy định cụ thể và ràng buộc về số vốn mà các nhà đầu tư phải bỏ ra để tham gia thị trường.
Cổ đông lớn
Là các cổ đông của các công ty hoặc những người trực tiếp tham gia mua bán, nắm giữ hơn 5% cổ phiếu của các công ty. Thông thường, đây sẽ là những người thân trong gia đình của chủ doanh nghiệp.
Trong trường hợp các cổ đông này muốn mua hoặc bán cổ phiếu với số lượng lớn hơn 1% thì phải công bố ra thị trường theo quy định của pháp luật. Động thái mua hoặc bán của những cổ động lớn này sẽ có ảnh hưởng khá lớn đến việc xác định thời điểm mua bán cổ phiếu của các nhà đầu tư khác.
Nhà tạo lập thị trường
Nhà tạo lập thị trường có thể là một cá nhân riêng lẻ hoặc một nhóm gồm nhiều người, có một số vốn lớn và đang tham gia vào các cuộc giao dịch. Những người này cũng có khả năng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
Ngoài việc đầu cơ, mua bán, trao đổi cổ phiếu nhằm thu lợi nhuận thì các nhà tạo lập thị trường còn có vai trò điều tiết cổ phiếu, tạo ra sự cân bằng cho thị trường cũng như thúc đẩy số lượng giao dịch bằng cách:
- Khi giá cổ phiếu giảm mạnh, các nhà tạo lập thị trường sẽ mua hết số cổ phiếu bị bán tháo với mục đích trấn an tâm lý cho các nhà giao dịch.
- Khi giá cổ phiếu tăng cao, các nhà tạo lập thị trường sẽ tiến hành bán bớt số cổ phiếu họ đang nắm giữ nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường. Từ đó có thể giúp giảm thiểu nguy cơ vỡ bong bóng tài chính như năm 2006 – 2007 ở Việt Nam.
Tay chơi lớn
Khái niệm cuối cùng mà các nhà đầu tư cần tìm hiểu đó chính là tay chơi lớn. Các tay chơi lớn là các cá nhân có một lượng vốn khá lớn cũng như có sức ảnh hưởng tương đối đến giá của các cổ phiếu. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của họ không lớn bằng các nhà tạo lập thị trường.
Các tay chơi lớn chỉ có khả năng ảnh hưởng trong một vài phiên giao dịch hoặc một vài thời điểm nào đó.
Thuật ngữ “Tay chơi lớn” không có sự thừa nhận và không có quy định trong các văn bản pháp luật, đây cũng là một điểm khác biệt với khái niệm “Nhà tạo lập thị trường”. Tuy nhiên, nhìn chung, đây vẫn là các nhà đầu tư có ảnh hưởng đến thị trường ở mức độ nhất định.
Cách xác định thời điểm mua bán cổ phiếu
Khi xác định thời điểm mua bán cổ phiếu trên các sàn giao dịch, các nhà đầu tư thường sẽ phải dùng đến các thủ thuật phân tích kỹ thuật. Một số phương pháp xác định thời điểm mua bán cổ phiếu được nhiều chuyên gia và nhà đầu tư lâu năm sử dụng như:
Phương pháp dòng tiền – Dựa trên phân tích kỹ thuật
Trong giao dịch chứng khoán, dòng tiền chính là sự lưu chuyển, thay đổi của khối lượng cổ phiếu hoặc các chỉ số chứng khoán trong mỗi phiên giao dịch.
Phương pháp phân tích dòng tiền VSA hay Volume Spread Analysis là một phương pháp rất hiệu quả để xác định thời điểm mua bán cổ phiếu trong khi tham gia đầu tư chứng khoán.
Phương pháp này hoạt động trên cơ sở những thay đổi của giá cổ phiếu dựa trên các sự chi phối của những người có tầm ảnh hưởng đến lượng cung – cầu của cổ phiếu nói riêng hay toàn bộ thị trường chứng khoán nói chung.
Sử dụng kỹ thuật VSA để xác định thời điểm mua bán cổ phiếu
Bốn giai đoạn thường thấy của giá cổ phiếu là: Tích lũy; Tăng trưởng; Bão hòa và cuối cùng là Suy thoái. Mỗi giai đoạn sẽ có những đặc điểm nhận dạng riêng. Cụ thể:
- Tích lũy: Biểu đồ giá có chiều hướng đi ngang, biên độ giá ở khoảng trống khá hẹp, kèm theo đó là mức thanh khoản thấp.
- Tăng trưởng: Ở giai đoạn này, biểu đồ sẽ hiển thị giá đi lên, khoảng cách biên độ mở rộng ra và thanh khoản cũng theo đó mà tăng mạnh.
- Bão hòa: Khi cổ phiếu bão hòa, biểu đồ của giá có sự chững lại và bắt đầu đi ngang. Tuy nhiên, biên độ của giá vẫn còn rộng và có mức thanh khoản cao.
- Suy thoái: Khi bước vào giai đoạn suy thoái, đồ thị của chứng khoán sẽ bị giảm điểm, biên độ giá thu hẹp, thanh khoản ở các thời điểm đầu sẽ cao và giảm dần theo lực cung.
Khi các nhà đầu tư lớn tham gia vào thị trường, giá cổ phiếu sẽ có những biến động nhất định. Ở thời điểm ban đầu, khi giá còn khá thấp, họ sẽ tiến hành mua vào, đây chính là giai đoạn tích lũy. Giai đoạn này thường sẽ kéo dài trong thời gian từ 3 đến 6 tháng hoặc lâu hơn, tùy trường hợp.
Các nhà đầu tư lớn sẽ nâng giá cổ phiếu lên cao hơn bằng cách cung cấp các thông tin tích cực về chúng với mục đích tạo sự chú ý và thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong quá trình này, vẫn có một số người mua vào.
Đến khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu mua cổ phiếu, các tay chơi lớn sẽ bán ra để cổ phiếu được phân phối trên thị trường. Đến khi giá tăng lên cao, các nhà đầu tư cá nhân cảm thấy hưng phấn thì giai đoạn phân phối kết thúc.
Đến khi các “ông lớn” kiếm được một số lượng khá lớn, họ sẽ rút lui và để thị trường lại cho các cá nhân nhỏ lẻ nắm giữ cổ phiếu.
Thị trường không còn nhu cầu, không được dòng tiền nâng đỡ, giá cổ phiếu sẽ bắt đầu giảm xuống. Có lúc còn bị đạp giá (Quá trình ông lớn tung cổ phiếu ra thị trường để giá giảm sâu). Đây chính là giai đoạn đẩy các nhà đầu tư mua khi giá cao vào tình trạng thua lỗ.
Sau khi giá đã giảm sâu đến một mức độ nào đó, các nhà đầu tư lớn lại tiếp tục gom cổ phiếu vào và bắt đầu một chu kỳ mới.
Khi có sự xuất hiện của các ông lớn, giá cả của cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào quyết định của họ và có vẻ không công bằng. Tuy nhiên, nếu không có sự có mặt của họ, thanh khoản sẽ ở mức thấp, thị trường ảm đạm, không có sự tăng giảm của giá. Vì vậy, dù là có rủi ro nhưng nếu biết kỹ thuật để phân tích thì các nhà đầu tư vẫn thu được cho mình một con số lợi nhuận khá lớn.
Điều quan trọng là phải xác định thời điểm tiếp nối giữa giai đoạn tích lũy và tăng trưởng. Đây chính là lúc thích hợp nhất để mua vào.
Xác định quá trình Tích lũy và Phân phối
Đối với phương pháp phân tích kỹ thuật, tích lũy là giai đoạn khối lượng giao dịch trong thời gian đó sẽ bị dồn nén, giá cổ phiếu bị đẩy lên cao. Đến khi kết thúc giai đoạn này thì, giai đoạn phân phối sẽ bắt đầu, cổ phiếu sẽ được tung ra và bán từ từ trên thị trường. Trong thời kỳ này, giá của cổ phiếu sẽ đi xuống.
Khi nhìn vào một biểu đồ kỹ thuật, các nhà phân tích sẽ nhận thấy được điểm tích lũy và phân phối của thị trường. Từ đó có thể dễ dàng xác định được thời điểm mua bán cổ phiếu hợp lý nhất.
Khi đưa kỹ thuật phân tích này vào thực tế để áp dụng, các nhà đầu tư cần quan tâm và thận trọng đến:
- Trong giai đoạn tích lũy và phân phối, giá sẽ có nhiều sự dao động và có sự xuất hiện của phân kỳ giá lên và phân kỳ giá xuống.
- Khi quá trình tích lũy càng kéo dài thì đó là dấu hiệu của việc giá sẽ bùng nổ càng mạnh sau khi nó kết thúc.
Xác định vùng hỗ trợ và vùng kháng cự trên biểu đồ
Ngoài vùng tích lũy và vùng phân phối, vùng kháng cự và vùng hỗ trợ cũng là khu vực quan trọng cần lưu ý khi sử dụng kỹ thuật phân tích kỹ thuật. Việc hình thành vùng đỉnh hoặc đáy của một xu hướng có thể xảy ra lại khu vực hỗ trợ hoặc kháng cự của nó. Chỉ cần xác định được 2 vùng này thì các nhà phân tích có thể xác định được khu vực giá sẽ đổi chiều hoặc có sự bứt phá.
Có rất nhiều công cụ có thể khoanh vùng được khu vực có khả năng xuất hiện vùng hỗ trợ hoặc vùng kháng cự trên biểu đồ. Một cách đơn giản và được nhiều người áp dụng nhất chính là quan sát và phân tích sự thay đổi của các cây nến trên đồ thị.
Các điểm đỉnh và đáy sẽ được tạo ra khi tâm lý mua vào và bán ra của thị trường bị đảo ngược. Ví dụ, khi giá ở trong xu hướng tăng, khi lượng mua vào trên thị trường giảm dần và các nhà đầu tư bắt đầu chốt lời nhiều hơn thì giá sẽ đạt đỉnh.
Ở chiều hướng ngược lại, khi giá giảm về mức có lực cung yếu dần chính là thời điểm tốt để mua vào tích lũy cổ phiếu để sinh lời. Lí do là vì đây là nơi có khả năng cao sẽ tạo đáy trong xu hướng giảm.
Dựa vào khối lượng giao dịch được thực hiện
Giá của một mã cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi khối lượng giao dịch của mã cổ phiếu đó. Vì vậy, nó cũng là một yếu tố giúp các nhà đầu tư có thể xác định thời điểm mua bán cổ phiếu.
Cách nhận biết khối lượng giao dịch bị biến động
Khi giá của mã cổ phiếu thay đổi chính là do nhu cầu về lượng cung hoặc lượng cầu thay đổi hay nói cách khác là do khối lượng giao dịch của cổ phiếu đó thay đổi. Nếu có thể nhận ra các quy luật thay đổi của khối lượng cổ phiếu được giao dịch thì các nhà đầu tư có thể xác định được thời điểm mua bán cổ phiếu đó để thu được lợi nhuận cao nhất.
Khi áp dụng vào thực tế, các nhà đầu tư sẽ phải đưa ra những phân tích của mình dựa theo tình hình khách quan của thị trường. Cụ thể:
- Giá tăng – Khối lượng giao dịch giảm: Lượng mua của cổ phiếu ở thời điểm này đang giảm dần, các nhà đầu tư đang xem xét thị trường và cân nhắc về các bước tiếp theo. Đây là một dấu hiệu tiêu cực, nếu nó xuất hiện ở giai đoạn cuối của xu hướng tăng thì rất có thể giá sẽ đổi chiều.
- Giá giảm – Khối lượng giao dịch tăng: Khối lượng giao dịch sẽ tăng lên nếu các nhà đầu tư tiến hành chốt lời mạnh. Bên cạnh đó, đây là một trong những dấu hiệu của việc các nhà đầu tư đang tiến hành bắt đáy (thu mua cổ phiếu vào khi giá đang giảm).
- Giá giảm – Khối lượng giao dịch giảm: Tình trạng này xuất hiện khi lực cầu trên thị trường yếu, đồng thời lượng cung trên thị trường cũng không quá lớn.
Trong cả ba trường hợp trên, nếu giá cổ phiếu có sự thay đổi, biến động mạnh thì khả năng cao nó đang “thông báo” cho sự hình thành của một xu hướng mới. Các nhà giao dịch nên quan sát thị trường sát sao hơn để xác định thời điểm mua bán cổ phiếu chính xác để nhận được lợi nhuận tốt nhất.
Tính điểm đảo chiều dựa vào chỉ báo OBV
Chỉ báo OBV – On Balance Volume là một chỉ báo cho thấy sự tương quan của giá và khối lượng giao dịch. Bằng cách theo dõi chỉ báo này, các nhà đầu tư có thể nhận thấy được điểm mà tại đó giá sẽ đảo chiều. Nhờ vào đó, các nhà đầu tư sẽ nhận được một khoản lợi nhuận khi giao dịch. 2 trường hợp tính chỉ báo OBV:
Cổ phiếu tạo nến xanh: Nghĩa là giá giao dịch ở thời điểm đóng phiên cao hơn giá ở thời điểm mở phiên. OBV sẽ được tính bằng số OBV trước đó cộng thêm khối lượng giao dịch mới.
Cổ phiếu tạo nến đỏ: Nghĩa là gì giao dịch ở thời điểm đóng phiên thấp hơn giá ở thời điểm mở phiên. OBV sẽ được tính bằng số OBV trước đó trừ đi khối lượng giao dịch mới.
Nếu OBV tăng và giá của cổ phiếu cũng tiếp tục tăng lên thì đó chính là tín hiệu cho thấy xu hướng tăng của giá đang diễn ra và ngược lại. Khi dùng chỉ báo OBV để xác định điểm đảo chiều, các nhà đầu tư nên kết hợp sử dụng với các chỉ báo khác như RSI hay các đường trung bình MA,… để xác định thời điểm mua bán cổ phiếu được chính xác hơn.
Xem thêm: Các công ty chứng khoán uy tín nhất hiện nay
Quy trình xác định thời điểm mua bán cổ phiếu
Phân tích kỹ thuật chính là dựa vào khối lượng giao dịch và biểu đồ kỹ thuật để xác định thời điểm mua bán cổ phiếu. Các nhà đầu tư sẽ tiến hành theo các bước bên dưới:
Bước 1: Lựa chọn công cụ thích hợp
Việc sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định thời điểm mua bán cổ phiếu có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Các nhà đầu tư có thể tự do chọn các phương pháp khác nhau theo nhu cầu, sở thích cũng nhưng phong cách giao dịch của mình để phân tích. Một số công cụ chỉ báo phổ biến có thể kể đến như:
- Đường trung bình MA, Bollinger Band- Stochastic-RSI-MF-Volume…
- Mô hình đảo chiều kết hợp mô hình tiếp diễn.
- Sóng Elliott kết hợp với phép toán Fibonacci.
- Mô hình nến Nhật kết hợp các số chỉ báo.
Bước 2: Lựa chọn cổ phiếu thích hợp
Hiện nay, có hơn 1000 mã cổ phiếu được niêm yết và lưu hành trên các sàn giao dịch. Vì vậy, các nhà đầu tư nên chọn một danh mục mã cổ phiếu phù hợp với mình nhất để theo dõi cũng như tiến hành các bước nghiên cứu. Thông thường, các nhà đầu tư sẽ chọn các công cụ phân tích cơ bản để trợ giúp cho công cuộc chọn lựa mã cổ phiếu của mình.
Trong quá trình chọn lựa, các nhà đầu tư cũng cần xem xét đến báo cáo tài chính của công ty đó để đánh giá tình hình tài chính của nó. Bên cạnh đó, các công cụ phân tích sẽ giúp nhà giao dịch tìm ra được quy luật hoạt động của cổ phiếu và đưa ra quyết định của mình một cách dễ dàng trong nhiều trường hợp.
Bước 3: Xác định xu hướng của giá
Có 3 khoảng thời gian mà các nhà đầu tư có thể chọn để xác định xu hướng của giá là trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bằng các phương pháp tính toán, các nhà đầu tư sẽ xác định được thời điểm mua bán cổ phiếu hợp lý nhất: Mua vào khi giá ở trong xu hướng tăng và Bán ra khi giá ở trong xu hướng giảm.
Nếu muốn giao dịch lướt sóng với phương châm “Đầu tư nhanh, nhận lợi nhuận gọn” thì việc nắm bắt các sự thay đổi tăng hay giảm của cổ phiếu trên thị trường là vô cùng cần thiết.
Chỉ cần tham gia giao dịch lướt sóng 1 đến 2 lần và chọn đúng ngọn sóng thì các nhà đầu tư hoàn toàn có thể thu về cho mình một khoản lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là trong bất kỳ trường hợp nào, luôn phải xác định xu hướng trong dài hạn rồi mới xác định trong ngắn hạn.
Bước 4: Xác định thời điểm mua bán cổ phiếu
Nhờ vào các công cụ phân tích kỹ thuật, các nhà đầu tư có thể xác định thời điểm mua bán cổ phiếu thích hợp nhất. Các công cụ đó vô cùng đa dạng như Tín hiệu vượt kháng cự; Tín hiệu chỉ báo; Khối lượng giao dịch đột biến hay Mô hình cốc tay cầm. Trước khi xác định thời điểm mua bán cổ phiếu và ra quyết định, các nhà đầu tư nên xem xét và tính toán trước vài ngày bằng cách theo dõi biểu đồ nến ngày.
Các biến động nhỏ trong phiên giao dịch không thể nói lên toàn bộ tình hình. Có thể giá của buổi sáng tăng nhưng lại giảm mạnh vào buổi chiều. Vì vậy không được vội vàng mà phải bình tĩnh xem xét để đánh giá một cách tổng quát.
Bước 5: Chốt lời hoặc cắt lỗ
Sau khi hoàn tất việc mua cổ phiếu và thu được lợi nhuận từ chúng, các nhà đầu tư phải chọn cho mình một thời điểm thích hợp để tiến hành chốt lời nếu thị trường có những tín hiệu tiêu cực. Bằng cách dựa vào các chỉ báo, hoặc các công cụ phân tích kỹ thuật khác, các nhà đầu tư có thể nhận thấy được xu hướng giảm của thị trường.
Các nhà đầu tư cần đặt ra cho mình những nguyên tắc cụ thể để có thể cắt lỗ hay chốt lời đúng lúc. Không nên tham lam vì rất có thể các nhà giao dịch sẽ không kịp trở tay khi thị trường thay đổi đột ngột.
Ngoài ra, một điều cần lưu ý là một mã cổ phiếu nếu như bị giảm mạnh thì sẽ mất một thời gian dài mới có thể hồi phục trở lại. Vì vậy, nếu nhận thấy những tín hiệu tiêu cực, đừng ôm hy vọng giá sẽ tăng trở lại mà hãy cắt lỗ một cách kịp thời.
Các nhà đầu tư cũng nên đa dạng hóa danh sách cổ phiếu của mình bằng nhiều mã khác nhau để tránh bị tổn thấy nặng nề khi thị trường trở nên tiêu cực.
Lời kết
Trên đây là một số chia sẻ về việc mua bán cổ phiếu và các mẹo để xác định thời điểm mua bán cổ phiếu. Rất mong bài viết này có thể đem lại những thông tin hữu ích cho bạn. Chúc bạn thành công!