Theo quy định của phát luật, vốn điều lệ là một mảnh ghép thiết yếu trong quá trình thành lập doanh nghiệp. Vậy cụ thể vốn điều lệ là gì? Trong trường hợp nào sẽ thực hiện tăng, giảm vốn điều lệ? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây. Hãy cùng giavang.com tìm hiểu ngay nhé.
Mục Lục
Vốn điều lệ là gì?
Vốn điều lệ là tập hợp những tài sản mà các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã hoặc cam kết sẽ góp vào. Hoặc có thể hiểu theo cách khác là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những quy định rõ ràng và chi tiết về các loại tài sản được phép góp vào công ty, cụ thể tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam.
Vai trò của vốn điều lệ đối với doanh nghiệp
Như vậy, có thể thấy được vốn điều lệ đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp:
- Thứ nhất, là nền tảng để xác định tỷ lệ phần trăm vốn góp hay sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong công ty. Nhờ vào đó có thể phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty một cách dễ dàng;
- Thứ hai, là một trong những cơ sở để xác định điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
- Thứ ba, vốn điều lệ thể hiện cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp với khách hàng, đối tác. Do đó, vốn điều lệ càng cao, thì độ tin cậy của khách hàng, đối tác với doanh nghiệp càng lớn.
Quy định về mức vốn điều lệ
Luật doanh nghiệp (năm 2020) không quy định mức vốn điều lệ cụ thể đối với doanh nghiệp nói chung. Doanh nghiệp sẽ tự quyết định về mức vốn điều lệ lệ thuộc vào khả năng kinh tế của chủ sở hữu và mục đích hoạt động. Những yếu tố cơ bản thường thấy các doanh nghiệp sử dụng để xem xét như sau:
- Khả năng tài chính của chủ sở hữu.
- Phạm vi, quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
- Chi phí hoạt động thực tế của doanh nghiệp sau khi thành lập;
- Dự án kinh doanh ký kết với đối tác…
Vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu?
Như đã nói, pháp luật không có mức quy định giới hạn vốn này. Vì vậy, trừ trường hợp kinh doanh những ngành nghề có quy định vốn pháp định và mức ký quỹ thì doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn mức vốn điều lệ cho phù hợp.
Trường hợp kinh doanh những ngành nghề có điều kiện về vốn pháp định (ví dụ như dịch vụ bảo vệ, ngân hàng, bảo hiểm,…) hoặc yêu cầu phải ký quỹ (như dịch vụ sản xuất phim, cho thuê lại lao động…) thì vốn điều lệ tối thiểu phải bằng mức vốn pháp định hay ký quỹ theo như quy định.
Vốn điều lệ tối đa là bao nhiêu?
Như đã đề cập, pháp luật không giới hạn vốn này tối thiểu hay tối đa nên doanh nghiệp có thể tự quyết định số vốn điều lệ phù hợp.
Nếu quy mô kinh doanh lớn và có tiềm lực tài chính, nhà đầu tư có thể đăng ký vốn điều lệ lớn. Ngay cả khi trong quá trình doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, chủ đầu tư vẫn góp thêm vốn để tăng mức vốn điều lệ.
Các trường hợp tăng giảm vốn điều lệ
Tăng, giảm vốn điều lệ trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng vốn này trong trường hợp sau đây:
- Tăng vốn góp của thành viên;
- Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể giảm vốn này trong trường hợp sau đây:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
- Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 của Luật này;
- Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020.
(Khoản 1 Điều 47, Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020)
Tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên
Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn này thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm vốn này trong trường hợp sau đây:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;
- Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 75 của Luật Doanh nghiệp 2020.
(Khoản 1 Điều 75, Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020)
Tăng, giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần
Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Công ty cổ phần có thể tăng vốn này bằng cách chào bán cồ phần.
Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:
- Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
- Chào bán cổ phần riêng lẻ;
- Chào bán cổ phần ra công chúng.
Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
- Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
- Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật Doanh nghiệp 2020;
- Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật Doanh nghiệp 2020.
(Khoản 1, 5 Điều 112, Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020)
Tăng, giảm vốn điều lệ của công ty hợp danh
Vốn điều lệ của công ty hợp danh là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty hợp danh.
Công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn.
Công ty hợp danh có thể giảm vốn điều lệ thông qua việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.
Thời hạn góp vốn điều lệ là bao lâu?
Trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty/các thành viên/cổ đông phải góp đủ số vốn đã đăng ký theo quy định của pháp luật. Thời hạn này không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.
Kết luận
Trên đây là những thông tin về vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc xây dựng, thành lập công ty của mình. Đừng quên ghé giavang.com để cập nhật nhiều tin tức mới nhất về lĩnh vực tài chính nhé.