Trái phiếu đặc biệt thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp bởi các lợi ích hấp dẫn khác biệt so với trái phiếu thông thường. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về loại tài sản này, chúng ta cần phải tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm và cơ chế hoạt động của trái phiếu đặc biệt. Hãy cùng giavang.com khám phá những điều cơ bản nhất về trái phiếu đặc biệt và những lợi ích nó mang lại
Mục Lục
Trái phiếu đặc biệt là gì?
Trái phiếu đặc biệt được định nghĩa ở khoản 8, điều 3, Thông tư 19/2013/TT-NHNN như sau:
“Trái phiếu đặc biệt là chứng từ có giá với ngày đáo hạn cố định do Công ty Quản lý tài sản phát hành để mua những khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng”
- Trái phiếu riêng lẻ là gì? Điều kiện và quy trình phát hành trái phiếu riêng lẻ
- Trái phiếu địa phương là gì? Đặc điểm, quy định phát hành
- Lợi suất đáo hạn của trái phiếu (YTM) là gì? Cách tính YTM
- Trái phiếu quốc tế là gì? Cơ hội và rủi ro khi đầu tư thị trường quốc tế
Trái phiếu đặc biệt phát hành với mục đích gì?
Trái phiếu đặc biệt được Công ty Quản lý tài sản phát hành nhằm mục đích để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Các yếu tố của trái phiếu đặc biệt
Trái phiếu đặc biệt được phát hành phải thỏa mãn một số nội dung cơ bản sau đây:
- Tên, địa chỉ, số Quyết định thành lập, số đăng ký kinh doanh của Công ty Quản lý tài sản;
- Mệnh giá;
- Thời hạn;
- Ngày phát hành;
- Thông tin về hợp đồng mua, bán nợ, các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt;
- Thông tin về tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt: Tên tổ chức tín dụng, số giấy phép thành lập hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh, địa chỉ của tổ chức tín dụng.
- Trường hợp trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, phải có ký hiệu, số seri phát hành, chữ ký của người đại diện hợp pháp của Công ty Quản lý tài sản và các chữ ký khác do Công ty Quản lý tài sản quy định và được đóng dấu của Công ty Quản lý tài sản.
Ngoài các nội dung này, Công ty Quản lý tài sản được quy định thêm các nội dung khác trên trái phiếu đặc biệt không trái với quy định của pháp luật.
Các hình thức của trái phiếu đặc biệt
Trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới 2 hình thức căn cứ theo Khoản 3, Điều 11, Thông tư số 19 như sau:
- Phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử có định danh;
- Trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ ghi danh.
Công ty Quản lý tài sản sẽ quyết định hình thức trái phiếu đặc biệt.
Ngoài ra, Khoản 5, 6, Điều 11 Thông tư 19 cũng quy định rõ:
Trái phiếu đặc biệt phải lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về lưu ký giấy tờ có giá và được sử dụng trong nghiệp vụ tái cấp vốn với Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt được miễn phí lưu ký khi lưu ký trái phiếu đặc biệt tại Ngân hàng Nhà nước.
Đặc điểm của trái phiếu đặc biệt
Trái phiếu đặc biệt có các đặc điểm nổi bật như sau:
- Được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử;
- Mệnh giá bằng giá mua của khoản nợ xấu;
- Được phát hành bằng VNĐ,
- Thời hạn tối đa 5 năm
- Lãi suất 0%;
- Trái phiếu đặc biệt có thể sử dụng để vay tái cấp vốn NHNN
Các quy định về việc phát hành trái phiếu đặc biệt
Đối với việc phát hành trái phiếu đặc biệt, pháp luật cụ thể là Thông tư 19/2013/TT-NHNN có các quy định cụ thể như sau:
Chủ thể phát hành
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 10 Thông tư 19, chủ thể phát hành trái phiếu đặc biệt là Công ty Quản lý tài sản (VAMC).
Công ty Quản lý tài sản ủy quyền cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tổ chức phát hành trái phiếu đặc biệt theo quy định tại Thông tư này.
Ngoài ra theo Khoản 1, Điều 4, Thông tư 19, Công ty Quản lý tài sản phải ban hành và triển khai các chính sách quản lý, quy định nội bộ về việc phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu đặc biệt
Ngày phát hành trái phiếu đặc biệt
Căn cứ theo Khoản 9, Điều 3, Thông tư số 19, ngày phát hành trái phiếu đặc biệt chính là ngày trái phiếu có hiệu lực và là thời điểm làm căn cứ để xác định ngày thanh toán gốc trái phiếu.
Nguyên tắc phát hành trái phiếu đặc biệt
Việc phát hành trái phiếu đặc biệt cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Trái phiếu đặc biệt được phát hành riêng lẻ, căn cứ nhu cầu thực tế và phương án phát hành trái phiếu đặc biệt đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
- Một trái phiếu đặc biệt được phát hành tương ứng với một khoản nợ xấu được mua, bán. Trường hợp khoản nợ xấu được mua, bán là khoản cấp tín dụng hợp vốn, Công ty Quản lý tài sản phát hành trái phiếu đặc biệt tương ứng cho từng tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn.
Mệnh giá trái phiếu đặc biệt
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 11; Khoản 4, Điều 10, Thông tư 19 và Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, mệnh giá trái phiếu đặc biệt được quy định như sau:
Mệnh giá trái phiếu đặc biệt có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản mua của tổ chức tín dụng. Cụ thể là bằng giá trị theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả đã được khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó.
Trường hợp khoản nợ xấu được mua, bán là khoản cấp tín dụng hợp vốn, mệnh giá trái phiếu đặc biệt phát hành cho từng tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn tương ứng với giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu sau khi khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó đang được theo dõi tại tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn.
Đồng tiền phát hành trái phiếu đặc biệt
Khoản 2, Điều 11 Thông tư 19 quy định rõ, trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VND.
Phương án phát hành trái phiếu đặc biệt
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 12, Thông tư số 19, Công ty Quản lý tài sản khi phát hành trái phiếu đặc biệt cần có phương án phát hành bao gồm các nội dung sau đây:
- Dự kiến khối lượng, giá trị, đối tượng nợ xấu cần mua và tổ chức tín dụng bán nợ;
- Dự kiến nhu cầu, lộ trình phát hành trái phiếu đặc biệt;
- Đề xuất về cơ cấu thời hạn của trái phiếu đặc biệt;
- Đánh giá năng lực của Công ty Quản lý tài sản về việc mua, quản lý và xử lý nợ xấu;
- Nội dung khác theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Lời kết
Như vậy, trái phiếu đặc biệt là một loại trái phiếu có những đặc điểm và lợi ích riêng biệt. Chỉ có Công ty Quản lý tài sản phát hành nhằm mua lại nợ xấu của các công ty tín dụng. Hy vọng với những chia sẻ trên có thể giúp bạn hiểu rõ về loại trái phiếu này.