Tài chính công là gì? Đây là thuật ngữ quan trọng liên quan đến việc quản lý nguồn lực tài chính của chính phủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản và phát triển của cộng đồng. Vậy đặc điểm, chức năng và nhiệm vụ của tài chính công là gì? Hãy cùng giavang.com tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục Lục
Tài chính công là gì?
Tài chính công là lĩnh vực tài chính liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính của chính phủ để thực hiện các chính sách và dự án có liên quan đến lợi ích cộng đồng. Cụ thể, tài chính công bao gồm việc thu thuế, chi tiêu công, quản lý nợ công, và các hoạt động tài chính khác của chính phủ.
Đặc điểm của tài chính công
Tài chính công có một số đặc điểm quan trọng phản ánh bản chất và vai trò của nó trong hệ thống tài chính của một quốc gia. Dưới đây là một số đặc điểm chính của tài chính công:
Tính chủ thể
Nhà nước là tổ chức duy nhất sở hữu hợp pháp và quyết định việc sử dụng tài chính công. Việc sử dụng tài chính công phải có mục đích gắn liền với cách thức hoạt động của bộ máy Nhà nước . Điều này giúp loại bỏ sự chia sẻ và phân tán quyền lực, đảm bảo sự lãnh đạo chính phủ thống nhất và tập trung.
Tính hiệu quả
Vì các doanh nghiệp muốn kiếm lợi nhuận nên số tiền lợi nhuận được tạo ra trên mỗi đô la chi tiêu cho thấy mức độ hiệu quả của hoạt động tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nhà nước không hoạt động theo mục tiêu lợi nhuận, việc thu chi tài chính không hoàn trả trực tiếp. Nghĩa là, hiệu quả 1 đồng bỏ ra không đánh giá dựa trên số tiền thu về mà dựa trên các chỉ số kinh tế – xã hội.
Chẳng hạn, Nhà nước bỏ ra chi phí để duy trì sự hoạt động của các đơn vị kinh tế nhà nước như ngân hàng nhà nước, ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển…
Các đơn vị này sử dụng vốn để hỗ trợ, trợ cấp cho các cá nhân cũng như doanh nghiệp trong nền kinh tế. Các chỉ số phát triển kinh tế (GDP, lạm phát,…) và các chỉ số an sinh xã hội ( tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ biết chữ, tỷ lệ thất nghiệp,…) được sử dụng để đánh giá kết quả đạt được.
Nguồn hình thành thu nhập
Tài chính công có được doanh thu từ mọi khía cạnh của xã hội, bao gồm sản xuất, lưu thông, phân phối, dịch vụ… trong nước và nước ngoài. Nguồn thu này gắn liền với sự phát triển kinh tế, quá trình theo dõi các yếu tố kinh tế – xã hội khác như giá cả, lãi suất, mức thu nhập…
Phạm vi hoạt động
Việc thiết lập và sử dụng tài chính công là sự thể hiện sự tương tác kinh tế giữa chính phủ và các chủ thể kinh tế khác. Nhà nước sử dụng tài chính công để thực hiện nhiệm vụ, nghĩa vụ của mình. Lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu.
Tài chính công tham gia vào nhiều lĩnh vực, khía cạnh của xã hội như kinh tế, giáo dục, sản xuất, an ninh, quốc phòng… Phạm vi này được điều chỉnh thay đổi phụ thuộc vào chính sách nhà nước trong từng thời kỳ.
Chức năng của tài chính công
Tài chính công được sử dụng để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước như sau:
- Đảm bảo nguồn lực tài chính cho sự tồn tại và hoạt động của Bộ máy Nhà nước thông qua việc trả lương cho cán bộ viên chức, chi phí duy trì hoạt động của các cơ quan nhà nước…
- Cung cấp nguồn tài chính phục vụ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước như đầu tư xây dựng đường xá, trường học, bệnh viện, đường lưới điện…
- Kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn tài chính quốc gia được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả tốt.
- Định hướng hoạt động của các chủ thể kinh tế trong xã hội thông qua các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.
- Định hướng đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Thành phần tài chính công
Tương tự như các quỹ tài chính khác, tài chính công cũng bao gồm nguồn thu và chi tiêu, cụ thể như sau:
Nguồn thu của tài chính công
Nguồn thu của tài chính công bao gồm thu Ngân sách Nhà nước (NSNN), tín dụng nhà nước và các quỹ ngoài ngân sách. Trong đó, nguồn thu quan trọng nhất là Ngân sách Nhà nước. Ngân sách này được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của Nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, duy trì sự tồn tại và hoạt động của bộ máy nhà nước như trả lương cho công chức, viên chức, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…), trợ cấp an sinh xã hội, trợ giá…
Nguồn thu NSNN đến từ mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, trong đó bao gồm 4 thành phần chính sau:
- Thuế: Nguồn tài trợ chính cho NSNN chính là thuế. Theo thống kê từ Bộ Tài chính, thuế đóng góp hơn 70% đến hơn 80% nguồn thu NSNN.
- Lệ phí: Là chi phí phải trả khi bạn sử dụng các thủ tục hành chính công, dịch vụ công như phí trước bạ, phí cầu đường, phí cấp sổ đỏ, phí công chứng…
- Các dịch vụ công: Là nguồn thu từ việc cung cấp các dịch vụ công như bệnh viện công, trường học công, trung tâm thể thao,… Bên cạnh những khoản được miễn giảm, người dân phải thanh toán một khoản phí khi thăm khám bệnh ở bệnh viện công, học ở trường công.
- Đi vay: Nhà nước cũng có thể đi vay để bổ sung NSNN, đối tượng vay ưu tiên và chủ yếu là từ người dân và các thành phần kinh tế trong xã hội. Hình thức đi vay thường là phát hành Trái phiếu Chính phủ, Tín phiếu kho bạc… cho người dân và các doanh nghiệp trong nước.
- Nguồn thu khác: NSNN cũng có thể được bổ sung từ việc nhận tài trợ, nhận đầu tư, nhận viện trợ ODA từ nước ngoài…
Chi tiêu tài chính công
Như đã nhắc đến ở trên, tài chính công được sử dụng để duy trì sự hoạt động của bộ máy nhà nước, chi trả thực hiện nhiệm vụ của nhà nước và một số khoản chi khác, cụ thể:
- Duy trì bộ máy Nhà nước: Đây là khoản chi thường xuyên, gần giống chi phí hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm trả lương cán bộ viên chức Nhà nước, mua sắm thiết bị văn phòng, trả tiền điện, tiền nước, chi phí tổ chức sự kiện…
- Chi đầu tư phát triển: Đây là khoản chi nhằm thực hiện chức năng của Nhà nước, thúc đẩy và ổn định kinh tế xã hội. Có thể kể đến một số khoản chi như kinh phí xây đường xá, trường học, bệnh viện…
- Trả các khoản nợ: Một phần nhỏ NSNN được trích để trả các khoản nợ vay trong nước và nước ngoài.
- Chi đột xuất: Đây giống như các khoản dự phòng của doanh nghiệp, một phần NSNN được trích lập dự phòng cho các trường hợp chi đột xuất như khắc phục thiên tai, phòng chống dịch bệnh…
Các yếu tố tác động tới tài chính công của một quốc gia
Tài chính công sẽ chịu tác động bởi hai yếu tố chính là Nhà nước và nền kinh tế hàng hóa tiền tệ, cụ thể:
Nhà nước
Tài chính công và nhà nước có mối quan hệ chặt chẽ và tương tác lẫn nhau. Nhà nước là cơ quan xây dựng và sử dụng tài chính công. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội , nhiệm vụ, chức năng của Nhà nước được thực hiện với sự hỗ trợ của các nguồn tài chính công.
Mặt khác, nguồn thu tài chính công từ các thành phần kinh tế trong xã hội. Do đó, nếu sử dụng tài chính công hiệu quả, nền kinh tế và xã hội phát triển, nguồn thu NSNN tăng. Từ đó, đầu tư vào kinh tế, quốc phòng, an ninh xã hội tăng, vị thế đất nước trên trường quốc tế tăng.
Nền kinh tế hàng hóa tiền tệ
Nhà nước không thể tự cung tự cấp các điều kiện cần thiết để tồn tại và thực hiện các nhiệm vụ mà cần nguồn tài chính công, tức tiền trong NSNN. Quá trình tạo lập và sử dụng nguồn tài chính công gắn liền với việc sử dụng tiền tệ để trao đổi hàng hóa, điều này liên quan đến nền kinh tế hàng hóa tiền tệ.
Lời kết
Trên đây là những thông tin cơ bản về tài chính công gồm định nghĩa, đặc điểm, thành phần, chức năng và các yếu tố tác động. Giavang.com hy vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ về tài chính công và hệ thống tài chính công ở Việt Nam.
Tham khảo thêm: