Rủi ro tín dụng là một trong những thách thức lớn nhất mà các ngân hàng phải đối mặt hiện nay. Vậy, rủi ro tín dụng là gì và các ngân hàng lớn tại Việt Nam đã và đang áp dụng những biện pháp nào để quản lý hiệu quả loại rủi ro này? Cùng giavang.com tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây!
Mục Lục
- 1 Rủi ro tín dụng là gì?
- 2 Dấu hiệu nhận biết rủi ro tín dụng
- 3 Phân loại rủi ro tín dụng
- 4 Tác hại của rủi ro tín dụng đối với ngân hàng
- 5 Quy trình quản lý rủi ro tín dụng
- 6 Mô hình quản lý rủi ro tín dụng thường được ứng dụng trong ngân hàng
- 7 Các ngân hàng lớn tại Việt Nam quản trị rủi ro tín dụng như thế nào?
- 8 Lời kết
Rủi ro tín dụng là gì?
Rủi ro tín dụng là khả năng khách hàng không thể hoặc không chịu thanh toán các khoản nợ theo đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Rủi ro tín dụng là một thách thức không thể tránh khỏi trong hoạt động cho vay. Việc quản lý và giảm thiểu rủi ro này đòi hỏi các ngân hàng phải có những giải pháp toàn diện và linh hoạt. Bởi lẽ, rủi ro tín dụng không chỉ mang tính khách quan, gắn liền với bản chất của hoạt động tín dụng, mà còn vô cùng đa dạng và khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thất thoát nguồn vốn và giảm sút lợi nhuận.
- Nợ quá hạn là gì? Nợ quá hạn có phải là nợ xấu không?
- Tất toán là gì? Những thủ tục và hồ sơ chuẩn bị để tất toán
Dấu hiệu nhận biết rủi ro tín dụng
Nợ quá hạn: Đây là chỉ tiêu cơ bản phản ánh rủi ro tín dụng. Nợ quá hạn xảy ra khi khách hàng không thanh toán đúng hạn một phần hoặc toàn bộ khoản vay. Dựa trên thời gian quá hạn, nợ có thể được phân loại thành các nhóm như nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ hoặc nợ có khả năng mất vốn. Các chỉ tiêu đo lường nợ quá hạn bao gồm:
- Tỷ lệ nợ quá hạn = Số dư nợ quá hạn/Tổng dư nợ
- Tỷ lệ khách hàng có nợ quá hạn = Số khách hàng có nợ quá hạn/Tổng số khách hàng có dư nợ
Nợ xấu: Đây là các khoản nợ quá hạn trên 90 ngày và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ và thu hồi vốn. Thường là do khách hàng gặp khó khăn tài chính, tuyên bố phá sản hoặc đã tẩu tán tài sản. Nợ xấu phản ánh chất lượng tín dụng của ngân hàng và được phân loại thành ba nhóm: nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (có khả năng mất vốn). Các chỉ tiêu đo lường nợ xấu bao gồm:
- Tỷ lệ nợ xấu = Nợ xấu/Tổng dư nợ (Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ này ở mức dưới 5% là có thể chấp nhận được và tốt nhất là ở mức 1-3%)
- Tỷ trọng nợ xấu theo nhóm nợ = Dư nợ xấu nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 /Tổng dư nợ xấu
- Tỷ lệ nợ xấu trên vốn chủ sở hữu = Nợ xấu/Vốn chủ sở hữu
- Tỷ lệ nợ xấu trên quỹ dự phòng tổn thất = Nợ xấu/Quỹ dự phòng tổn thất
Phân loại rủi ro tín dụng
Căn cứ vào nguyên nhân phát sinh rủi ro tín dụng
Dựa vào nguyên nhân phát sinh, rủi ro tín dụng sẽ được phân ra thành 2 loại chính:
– Rủi ro tín dụng theo danh mục (Portfolio risk)
Trong rủi ro danh mục, có hai loại rủi ro chính: rủi ro nội tại (Intrinsic risk) và rủi ro tập trung (Concentration risk).
- Rủi ro nội tại phát sinh từ các yếu tố đặc thù của từng chủ thể và từng ngành kinh tế.
- Rủi ro tập trung liên quan đến các khoản dư nợ từ một số khách hàng, ngành kinh tế, loại hình cho vay hoặc khu vực địa lý nào đó.
Do đó, để nhận biết rủi ro tín dụng cần phải xác định rõ rủi ro đó thuộc loại nào và liên quan đến đối tượng nào.
– Rủi ro tín dụng theo giao dịch (Transaction risk)
Rủi ro tín dụng theo giao dịch bao gồm các loại rủi ro sau:
- Rủi ro lựa chọn: Phát sinh từ quá trình thẩm định và phân tích tín dụng của bên cho vay.
- Rủi ro bảo đảm: Bắt nguồn từ các tiêu chuẩn và quy định về bảo đảm.
- Rủi ro nghiệp vụ: Liên quan đến quản lý và điều hành hoạt động cho vay.
Căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng
Việc phân loại dấu hiệu nhận biết rủi ro tín dụng này sẽ dựa trên khả năng thanh toán nợ của khách hàng vay. Mỗi ngân hàng sẽ sử dụng hệ thống CIC để phân tích và đánh giá lịch sử tín dụng của khách hàng, từ đó phân loại vào các nhóm sau:
- Nhóm 1: Dư nợ đủ chuẩn. Khách hàng thanh toán nợ đúng hạn hoặc chỉ chậm dưới 10 ngày.
- Nhóm 2: Dư nợ cần chú ý. Khách hàng có nợ tín dụng quá hạn từ 10 – 90 ngày.
- Nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn. Khách hàng có nợ quá hạn từ 30 – 90 ngày.
- Nhóm 4: Nợ nghi ngờ mất vốn. Khách hàng có nợ quá hạn từ 90 – 180 ngày.
- Nhóm 5: Nợ xấu. Khách hàng có nợ quá hạn trên 180 ngày.
Tác hại của rủi ro tín dụng đối với ngân hàng
Rủi ro tín dụng không những gây ra các tổn thất về tài chính mà thậm chí có thể gây ra thua lỗ nghiêm trọng, dẫn đến phá sản cho ngân hàng tổ chức ngân hàng đó. Một số tổn thất cụ thể do rủi ro tín dụng có thể kể đến như:
- Ngân hàng mất cơ hội thu lãi từ các khoản cho vay.
- Lợi nhuận của ngân hàng bị suy giảm.
- Ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn vốn của ngân hàng.
- Vốn sử dụng để cho vay tín dụng chủ yếu là vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng. Do đó, các trường hợp nợ xấu sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn vốn. Ngân hàng phải tự dùng vốn của mình để trả cho người gửi tiền đúng kỳ hạn.
- Nếu ngân hàng không đủ khả năng để trả cho người gửi tiền sẽ dẫn đến nguy cơ bị phá sản.
Quy trình quản lý rủi ro tín dụng
Hiện nay, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam thường thực hiện các bước sau để quản lý rủi ro tín dụng:
– Bước 1: Hoạch định chiến lược tín dụng, xây dựng các quy trình, chính sách tín dụng
Chiến lược tín dụng được thiết lập để phát triển trong một khoảng thời gian cụ thể, phản ánh mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng. Thông qua chiến lược này, các quy trình và chính sách tín dụng được hình thành nhằm đạt được kết quả tốt nhất theo kế hoạch đề ra.
– Bước 2: Phân tích tín dụng
Phân tích tín dụng là quá trình thu thập và xử lý thông tin để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Đây là cơ sở để đưa ra các quyết định cho vay chính xác và phù hợp.
– Bước 3: Phân tán rủi ro tín dụng
Ngân hàng thực hiện phân loại và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tuân thủ quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng và thiết lập hệ thống nội bộ để điểm và xếp hạng khách hàng bằng cách giám sát thường xuyên tình hình hoạt động của khách hàng và sử dụng các chỉ số cảnh báo sớm như phân tích tài chính và thông tin về khách hàng vay vốn.
Mô hình quản lý rủi ro tín dụng thường được ứng dụng trong ngân hàng
Mô hình điểm số tín dụng
Đây là mô hình được nhiều Ngân hàng ưa chuộng khi sử dụng phương pháp cho điểm để xử lý các đơn xin vay của người tiêu dùng. Thông thường, khách hàng có thể gọi điện đến ngân hàng để đăng ký vay. Nhờ vào hệ thống máy tính kết nối mạng, ngân hàng có thể cung cấp kết quả tín dụng trong vài phút dựa trên cơ sở dữ liệu của khách hàng.
Mô hình điểm số tín dụng tiêu dùng thường dựa vào các yếu tố như: hệ số tín dụng, tuổi tác, tình trạng tài sản, số người phụ thuộc, sở hữu nhà, thu nhập, số điện thoại cố định, số tài khoản cá nhân và thời gian làm việc. Mô hình này thường sử dụng từ 7 đến 12 tiêu chí, mỗi tiêu chí được chấm điểm từ 1 đến 10.
Ví dụ: Bảng dưới đây minh họa các tiêu chí và điểm số phổ biến được các ngân hàng tại Mỹ sử dụng.
Mô hình điểm số tín dụng tiêu dùng
STT | Các hạng mục xác định chất lượng tín dụng | Điểm số |
1 | Nghề nghiệp của người vay | |
Chuyên gia hay phụ trách kinh doanh | 10 | |
Công nhân có kinh nghiệm (tay nghề cao) | 8 | |
Nhân viên văn phòng | 7 | |
Sinh viên | 5 | |
Công nhân không có kinh nghiệm | 4 | |
Công nhân bán thất nghiệp | 2 | |
2 | Trạng thái nhà ở | |
Nhà riêng | 6 | |
Nhà thuê hay căn hộ | 4 | |
Sống cùng bạn hay người thân | 2 | |
3 | Xếp hạng tín dụng | |
Tốt | 10 | |
Trung bình | 5 | |
Không có hồ sơ | 2 | |
Tồi | 0 | |
4 | Kinh nghiệm nghề nghiệp | |
Nhiều hơn 1 năm | 5 | |
Từ 1 năm trở lên | 2 | |
5 | Thời gian sống tại địa chỉ hiện hành | |
Nhiều hơn 1 năm | 2 | |
Từ 1 năm trở xuống | 1 | |
6 | Điện thoại cố định | |
Có | 2 | |
Không | 0 | |
7 | Số người sống cùng (phụ thuộc) | |
Không | 3 | |
Một | 3 | |
Hai | 4 | |
Ba | 4 | |
Nhiều hơn ba | 2 | |
8 | Các khoản tại ngân hàng | |
Cả tài khoản tiết kiệm và phát hành séc | 4 | |
Chỉ tài khoản tiết kiệm | 3 | |
Chỉ tài khoản phát hành séc | 2 | |
Không có | 0 |
Khách hàng đạt điểm số cao nhất theo mô hình với 8 tiêu chí có thể nhận được tối đa 43 điểm, thấp nhất là 9 điểm. Nếu ngân hàng xác định rằng điểm số 28 là ranh giới giữa khách hàng có tín dụng tốt và tín dụng kém, ngân hàng sẽ hình thành một khung chính sách tín dụng tiêu dùng theo mô hình điểm số sau:
Khung chính sách tín dụng dựa trên thang điểm
Tổng điểm số của khách hàng | Quyết định tín dụng |
Từ 28 điểm trở xuống | Từ chối tín dụng |
29-30 điểm | Cho vay đến $500 |
31-33 điểm | Cho vay đến $1000 |
34-36 điểm | Cho vay đến $2500 |
37-38 điểm | Cho vay đến $3500 |
39-40 điểm | Cho vay đến $5000 |
41-43 điểm | Cho vay đến $8000 |
Mô hình điểm số đã giúp loại bỏ các yếu tố chủ quan trong quyết định cho vay và rút ngắn đáng kể thời gian xử lý tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại một số hạn chế, chẳng hạn như khả năng điều chỉnh không nhanh chóng để phản ứng với sự thay đổi của nền kinh tế hoặc tình hình cá nhân.
Mô hình cấu trúc kỳ hạn rủi ro tín dụng
Mô hình này sẽ dựa trên các yếu tố thị trường để đánh giá rủi ro tín dụng và phân tích “mức thưởng chấp nhận rủi ro” (risk premiums) liên quan đến lợi suất của khoản nợ công ty hoặc khoản tín dụng ngân hàng đối với những người vay có mức độ rủi ro tương tự.
Các tổ chức đánh giá tín nhiệm phân loại các công ty phát hành trái phiếu thành 7 nhóm chính. Mỗi nhóm phản ánh sự khác biệt về lãi suất trái phiếu so với lãi suất trái phiếu không có rủi ro tín dụng (trái phiếu kho bạc).
Các ngân hàng lớn tại Việt Nam quản trị rủi ro tín dụng như thế nào?
Quản lý rủi ro tín dụng tại BIDV
– Nhận diện rủi ro tín dụng: BIDV triển khai dự án cung cấp giải pháp quản lý khoản vay nhằm hỗ trợ toàn diện trong quá trình đề xuất, thẩm định và phê duyệt tín dụng. Đồng thời, ngân hàng cũng nâng cao tính minh bạch và an toàn hệ thống.
– Rủi ro lãi suất và tỷ giá: Ngân hàng áp dụng công cụ quản lý rủi ro thanh khoản và lãi suất như phân tích khe hở nhạy cảm lãi suất và thay đổi thu nhập ròng từ lãi. Các báo cáo được cập nhật hàng tháng để đảm bảo quản trị rủi ro tỷ giá hiệu quả.
– Xây dựng cơ sở dữ liệu và chương trình quản lý tính toán: BIDV đảm bảo tự động hóa và đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu cũng như chương trình quản lý tính toán để đáp ứng nhu cầu quản trị rủi ro, bao gồm cả rủi ro ngoại hối.
– Đo lường rủi ro tín dụng: Hệ thống xếp hạng mức độ rủi ro được sử dụng trong quá trình lựa chọn khách hàng vay vốn, giúp ngân hàng áp dụng chính sách cho vay phù hợp với từng loại khách hàng.
– Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ: BIDV sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ trong các quy trình như ban hành chính sách, quy trình tín dụng, giám sát rủi ro danh mục tín dụng và lập báo cáo quản trị rủi ro.
– Dự phòng và xử lý rủi ro tín dụng: Ngân hàng triển khai hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chương trình phân loại nợ để trích lập dự phòng rủi ro, đồng thời thu thập dữ liệu cần thiết để xây dựng mô hình định lượng rủi ro tín dụng theo tiêu chuẩn Basel II.
– Kỹ thuật giảm thiểu rủi ro tín dụng: BIDV áp dụng các kỹ thuật như thế chấp tài sản và bảo lãnh của bên thứ ba để giảm thiểu rủi ro tín dụng.
– Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản: BIDV thành lập công ty quản lý nợ và khai thác tài sản để tiếp nhận tài sản thế chấp, cầm cố và bảo lãnh, giúp định giá tài sản và hỗ trợ quá trình phát mại hoặc bán đấu giá.
Quản lý rủi ro tín dụng tại Vietinbank
– Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro tín dụng chuyên biệt: Để đảm bảo hiệu quả cao nhất, ngân hàng thiết lập một bộ máy quản lý rủi ro tín dụng với các bộ phận có nhiệm vụ cụ thể. Hệ thống này không chỉ nâng cao tính khả thi trong quản lý rủi ro mà còn đảm bảo mọi khía cạnh được giám sát và kiểm soát đầy đủ.
– Áp dụng chính sách quản lý rủi ro rộng rãi: Ngân hàng thực hiện chính sách quản lý rủi ro tín dụng một cách toàn diện, bao gồm việc đa dạng hóa danh mục đầu tư và đặt ra các giới hạn cấp tín dụng. Việc ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực có rủi ro thấp giúp nâng cao độ an toàn, trong khi việc siết chặt điều kiện cấp tín dụng ở các lĩnh vực có rủi ro cao giúp kiểm soát tốt hơn.
– Đo lường rủi ro tín dụng qua hệ thống xếp hạng: Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của VietinBank giúp đánh giá và phân loại khách hàng dựa trên mức độ rủi ro tín dụng. Đặc biệt, với khách hàng doanh nghiệp, việc phân loại theo ngành nghề và quy mô giúp ngân hàng đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp.
– Chủ động phát hiện và xử lý rủi ro: VietinBank tập trung vào việc phát hiện và xử lý rủi ro một cách chủ động. Ngân hàng xây dựng kế hoạch xử lý rủi ro chi tiết cho từng tình huống, từ phòng ngừa đến giải quyết khi rủi ro xảy ra.
Lời kết
Tóm lại, rủi ro tín dụng là một yếu tố không thể tránh khỏi trong hoạt động cho vay của các ngân hàng. Để giảm thiểu rủi ro này, các ngân hàng lớn tại Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý rủi ro tiên tiến. Tuy nhiên, việc quản lý rủi ro tín dụng đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và sự cập nhật liên tục các công cụ, phương pháp mới. Việc hiểu rõ về rủi ro tín dụng sẽ giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cá nhân đưa ra những quyết định tài chính đúng đắn hơn.
Xem thêm: