Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter là một công cụ phân tích chiến lược kinh doanh vô cùng hữu ích. Mô hình này giúp doanh nghiệp đánh giá môi trường cạnh tranh, xác định các yếu tố tác động đến lợi nhuận và đưa ra những quyết định kinh doanh đúng đắn. Hãy cùng giavang.com tìm hiểu khái niệm, mục tiêu, lợi ích và ví dụ minh họa về mô hình này nhé!
Mục Lục
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh là gì?
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh do giáo sư Michael E. Porter của Đại học Harvard xây dựng giúp xác định 5 yếu tố cạnh tranh cho mọi ngành công nghiệp, bao gồm đối thủ cạnh tranh trong ngành, đối thủ tiềm ẩn, nhà cung ứng, khách hàng và các sản phẩm thay thế.
Mô hình này có thể được áp dụng rộng rãi cho mọi ngành nghề, giúp các doanh nghiệp đánh giá được mức độ cạnh tranh trong ngành và qua đó có thể xây dựng các chiến lược hoạt động thích hợp cho từng giai đoạn của doanh nghiệp.
- Mô hình Capm là gì? Nhược điểm của mô hình Capm
- Ma trận BCG là gì? Giải mã 4 yếu tố của một ma trận BCG
Các thành phần trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh trong ngành
Yếu tố đầu tiên trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter là số lượng và năng lực của các đối thủ cạnh tranh trong ngành. Đối thủ cạnh tranh được hiểu là những doanh nghiệp hoặc cá nhân cung cấp các sản phẩm tương tự về giá cả, chất lượng và phục vụ cho cùng một phân khúc khách hàng.
Khi số lượng đối thủ cạnh tranh quá lớn thì sản phẩm sẽ trở nên khó có sự đột phá do sự tương đồng cao. Tuy nhiên, nếu các đối thủ cạnh tranh không quá mạnh, doanh nghiệp sẽ ít chịu áp lực khi thâm nhập thị trường.
Đối thủ tiềm ẩn
Bên cạnh những đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp, doanh nghiệp cũng không thể bỏ qua mối đe dọa từ các đối thủ tiềm ẩn hay doanh nghiệp mới sẽ tham gia vào ngành. Đây là những doanh nghiệp có thể gia nhập thị trường bất cứ lúc nào, mang đến những sản phẩm hoặc dịch vụ mới sáng tạo hơn.
Vì thế, các doanh nghiệp cần phải không ngừng cải tiến, hoàn thiện quá trình sản xuất để đối mặt với đối thủ tiềm ẩn và duy trì được vị thế cạnh tranh của mình.
Nhà cung ứng
Hoạt động của doanh nghiệp trong ngành cũng bị ảnh hưởng bởi sự sẵn có của nhà cung cấp. Khi số lượng nhà cung cấp ít, doanh nghiệp sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn, dẫn đến việc nhà cung cấp có thể quyết định giá cả nguyên vật liệu và dịch vụ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ngược lại, nếu có nhiều nhà cung cấp, doanh nghiệp có thể chọn lựa đối tác phù hợp với các tiêu chí về chất lượng, số lượng và giá thành nguyên liệu. Điều này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và tăng lợi nhuận.
Khách hàng
Để tồn tại và phát triển tốt trên thị trường, doanh nghiệp cần phải tập trung vào việc đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Khi có nhiều doanh nghiệp trong cùng một ngành, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Điều này đặt áp lực lên doanh nghiệp phải liên tục cải thiện sản phẩm cũng như giá cả phải hợp lý để thu hút và giữ chân khách hàng.
Các yếu tố mà doanh nghiệp cần quan tâm khi nghiên cứu về khách hàng bao gồm: số lượng khách hàng, mức độ trung thành của họ và chi phí để thu hút khách hàng mới.
Sản phẩm thay thế
Sản phẩm thay thế hiểu nôm na là những hàng hóa hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng có thể lựa chọn thay cho sản phẩm của doanh nghiệp. Những sản phẩm này có giá trị sử dụng tương tự nhưng thường có thêm tính năng mới và giá cả cạnh tranh hơn.
Đây được xem là một áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thụ và năng lực cạnh tranh của họ. Do đó, doanh nghiệp cần không ngừng sáng tạo và cải tiến sản phẩm để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.
Ví dụ về mô hình 5 áp lực cạnh tranh
Dưới đây là ví dụ về mô hình 5 áp lực cạnh tranh của sàn thương mại điện tử Shopee tại Việt nam:
– Đối thủ cạnh tranh trong ngành
Shopee đang phải đối mặt với rất nhiều đối thủ trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó Lazada là đối thủ lớn nhất. Bên cạnh đó, còn có nhiều đối thủ đến từ Trung Quốc như 1688, Shein và Taobao,…Hiện nay, giới trẻ am hiểu công nghệ nên việc sử dụng ứng dụng/app mua sắm của nước ngoài đã quá quen thuộc.
– Đối thủ tiềm ẩn
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử, dẫn đến việc ngày càng nhiều doanh nhân đang tìm cách bước chân vào lĩnh vực này. Hiện tại, một đối thủ mới đáng chú ý của Shopee là Tiktok Shop. Với lượng người dùng đông đảo và khả năng tiếp cận khách hàng hiệu quả, số lượng người mua hàng trên Tiktok Shop đang trên đà tăng nhanh chóng.
– Nhà cung ứng
Đối với một thương hiệu toàn cầu như là Shopee, khả năng thương lượng với nhà cung cấp có thể bị hạn chế vì họ có nhiều nhà cung cấp trải rộng trên toàn thế giới. Khi một nhà cung cấp không đáp ứng được thì sẽ có nhà cung cấp khác thay thế ngay lập tức. Do đó, Shopee hầu như không phải chịu nhiều áp lực từ phía nhà cung ứng.
– Khách hàng
Để thu hút và giữ chân khách hàng trong thị trường thương mại điện tử đầy cạnh tranh, Shopee đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, cụ thể là họ tung ra rất nhiều mã giảm giá, deal cực sốc dành cho khách hàng của họ. Chiến lược này giúp Shopee nổi bật so với các đối thủ khác và tạo ra lợi thế cạnh tranh.
– Sản phẩm thay thế
Các thương hiệu quần áo nổi tiếng trong và ngoài nước đều đã tự xây dựng trang web và ứng dụng riêng, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để khuyến khích khách hàng mua trực tiếp từ họ thay vì qua Shopee, nơi họ phải trả phí hoa hồng.
Bên cạnh đó, các hệ thống bán lẻ như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và FPT Shop cũng có các trang web và chính sách khuyến mãi riêng, không áp dụng chung với chính sách trên Shopee.
Mục tiêu của mô hình 5 áp lực cạnh tranh
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter tập trung vào 4 mục tiêu chính:
- Xác định các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và tiềm ẩn trong ngành
- Xác định mối quan hệ của doanh nghiệp với nhà cung ứng và người tiêu dùng
- Xác định những khó khăn khi gia nhập một thị trường mới
- Xác định những rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt để phát triển trong tương lai
Lợi ích và hạn chế của mô hình 5 áp lực cạnh tranh
Lợi ích
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter mang lại rất nhiều lợi ích, bao gồm:
- Phân tích chi tiết về cách phân bổ lợi nhuận giữa 5 yếu tố cạnh tranh.
- Giúp xác định rõ đâu là thực thể, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất như nhà cung cấp, khách hàng hoặc đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp dựa vào đó để đưa ra quyết định và chiến lược hợp lý.
- Đem lại cái nhìn sâu sắc về điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp.
- Giúp hiểu rõ hơn về cấu trúc và tiềm năng của ngành, từ đó hỗ trợ nhà quản trị trong việc đánh giá các yếu tố quan trọng và xác định vị trí của doanh nghiệp.
- Hỗ trợ quản lý trong việc tìm kiếm cơ hội, đối phó với thách thức và rủi ro, bao gồm cả việc thu hút nhà cung cấp và khách hàng cũng như định hình chiến lược phát triển của công ty trong tương lai.
Hạn chế
Giống như các mô hình khác, mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter cũng có một số hạn chế khi áp dụng vào doanh nghiệp như:
- Mô hình chủ yếu tập trung vào nhà cung cấp, khách hàng, sản phẩm thay thế và sự cạnh tranh mà bỏ qua các yếu tố quan trọng khác như công nghệ và chiến lược kinh doanh. Điều này có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ các mối đe dọa từ sự phát triển công nghệ.
- Thiếu khả năng đánh giá định lượng các yếu tố bên ngoài và không cung cấp thông tin chi tiết về mức độ và tác động của các áp lực cạnh tranh. Mô hình cũng không rõ ràng về mức độ quan trọng của từng yếu tố.
- Không phù hợp cho các công ty có danh mục sản phẩm đa dạng hoặc hoạt động trên nhiều phân khúc thị trường và không áp dụng được cho tất cả các ngành nghề và lĩnh vực toàn cầu.
- Không xem xét đến các yếu tố rủi ro kinh doanh như biến động tỷ giá, thiên tai, phương thức cấp vốn, các quy định pháp lý và sự phát triển công nghệ.
Lời kết
Trên đây là bài viết về Mô hình 5 áp lực cạnh tranh là gì? Các doanh nghiệp có thể kết hợp mô hình này với các công cụ phân tích khác để thực hiện đánh giá thị trường và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh của mình. Đừng quên truy cập vào giavang.com thường xuyên để không bỏ lỡ nhiều kiến thức thú vị về tài chính và đầu tư bạn nhé!
Tham khảo thêm: