Hủy niêm yết chứng khoán là việc loại bỏ một chứng khoán đã được niêm yết ra khỏi sàn giao dịch. Đây là hành động nhằm đảm bảo quyền lợi lẫn công bằng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Vậy hủy niêm yết chứng khoán là gì? Liệu hành động này có ảnh hưởng đến nhà đầu tư không? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
Mục Lục
Hủy niêm yết chứng khoán là gì?
Hủy niêm yết chứng khoán là việc chấm dứt hoàn toàn các giao dịch chứng khoán niêm yết tại một Sở giao dịch chứng khoán bằng cách loại bỏ một chứng khoán ra khỏi một sàn giao dịch chứng khoán đã được niêm yết trước đó.
>>Chứng khoán là gì? 6 bước cần thiết để đầu tư chứng khoán
Có những hình thức hủy niêm yết chứng khoán nào?
Có hai hình thức chủ yếu cho việc hủy niêm yết chứng khoán
- Hủy niêm yết chứng khoán bắt buộc: Là những chứng khoán do không đáp ứng đầy đủ các quy định, quy tắc cho việc niêm yết chứng khoán tại các sở/sàn giao dịch chứng khoán và bắt buộc bị hủy bỏ. Như vậy, một sàn giao dịch đặt ra thì sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc ngay, nếu các công ty không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu.
- Hủy niêm yết chứng khoán tự nguyện: Áp dụng cho những tổ chức niêm yết chứng khoán đưa ra đề nghị hủy bỏ niêm yết trên sàn chứng khoán.
Quy định về hủy bỏ niêm yết chứng khoán
Nghị định số 58/2012/NĐ-CP đã đưa ra những quy định cho việc hủy niêm yết chứng khoán về các điều kiện, quy định cụ thể cũng như các trường hợp bị hủy bỏ như sau:
Các trường hợp bị hủy bỏ niêm yết chứng khoán
Nếu xảy ra một trong các trường hợp sau đây, chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết (Theo Khoản 1, Điều 60, Nghị định 58 quy định):
- Việc kinh doanh của tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất từ 01 năm trở lên;
- Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy phép hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực chuyên ngành;
- Tổ chức niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán không đáp ứng được các điều kiện niêm yết.
- Trong thời hạn 12 tháng, cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán.
- Trong 3 năm liên tiếp, kết quả kinh doanh, sản xuất bị thua lỗ. Hoặc, số liệu từ tổng số lỗ luỹ kế cho thấy mức tăng quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;
- Chấm dứt sự tồn tại của tôt chức niêm yết do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể hoặc phá sản; quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động;
- Thời gian đáo hạn trái phiếu đã đến hoặc trước thời gian đáo hạn, trái phiếu niêm yết được tổ chức phát hành mua lại toàn bộ;
- Hoạt động kiểm toán không được chấp nhận thực hiện bởi tổ chức kiểm toán. hoặc tổ chức này không có ý định chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết;
- Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày được chấp thuận niêm yết, tổ chức được chấp thuận niêm yết không tiến hành các thủ tục niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán;
- Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp;
- Các trường hợp giả mạo hồ sơ niêm yết hoặc hồ sơ niêm yết chứa đựng những thông tin sai lệch nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, một khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện ngay lập tức sẽ hủy bỏ niêm yết chứng khoán.
- Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp mà Sở giao dịch chứng khoán. Hoặc nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết sẽ thực hiện hủy niêm yết.
Ngoài các quy định trên, tại Khoản 2 Điều 60 cũng nêu rõ, khi tổ chức niêm yết đề nghị hủy bỏ niêm yết chứng khoán, chứng khoán có thể bị hủy bỏ niêm yết.
Điều kiện hủy bỏ niêm yết chứng khoán
Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 60, Nghị định 58 có ghi rõ như sau: Khi tổ chức niêm yết đề nghị hủy bỏ niêm yết chứng khoán, cần đáp ứng 2 điều kiện sau đây:
- Không có việc cổ đông lớn chấp thuận việc hủy bỏ niêm yết, mà việc tổ chức hủy bỏ niêm yết chứng khoán chỉ được hủy bỏ niêm yết khi Quyết định của Đại hội đồng cổ đông có trên 50% số phiếu biểu quyết trên tổng số.;
- Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày đưa cổ phiếu vào niêm yết, tổ chức niêm yết không được đề nghị hủy bỏ niêm yết.
Hồ sơ hủy bỏ niêm yết
Hồ sơ đề nghị hủy bỏ niêm yết chứng khoán tự nguyện căn cứ theo Điểm b, Khoản 2, Điều 60, Nghị định số 58 phải bao gồm các loại giấy tờ như sau:
– Giấy đề nghị hủy bỏ niêm yết;
-Quyết định thông qua việc hủy bỏ niêm yết cổ phiếu của Đại hội đồng cổ đông, hủy bỏ niêm yết trái phiếu của Hội đồng quản trị hoặc trái phiếu chuyển đổi của Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần); hủy bỏ niêm yết trái phiếu của Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên) hoặc chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên); hủy bỏ niêm yết chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán của Đại hội nhà đầu tư hoặc hủy bỏ niêm yết cổ phiếu của Đại hội đồng cổ đông công ty đầu tư chứng khoán đại chúng.
Ngoài ra, sẽ có quy định cụ thể về hồ sơ hủy bỏ niêm yết chứng khoán đối với mỗi sở giao dịch chứng khoán khác nhau. Để yêu cầu hủy bỏ niêm yết chứng khoán trên sở giao dịch, tổ chức phải cung cấp đầy đủ các thông tin của hồ sơ theo quy định của sở giao dịch đưa ra như sau:
– Đối với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trường hợp tổ chức yêu cầu hủy niêm bỏ niêm yết chứng khoán tự nguyện, cần chuẩn bị hồ sơ hoàn tất đầy đủ các thông tin sau.
- Giấy đề nghị hủy bỏ niêm yết (Theo mẫu NY-06a, Phụ lục III Quy chế niêm yết tại SGDCK)
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc hủy bỏ niêm yết cổ phiếu; quyết định của Hội đồng quản trị (trường hợp công ty cổ phần) hoặc Hội đồng thành viên (trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc chủ sở hữu vốn (trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên) hoặc văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền (trường hợp doanh nghiệp Nhà nước) thông qua về việc hủy bỏ niêm yết trái phiếu;
- Phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông/ trái chủ/người đầu tư
- Báo cáo đã hoàn tất phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông
– Đối với Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE): Khi đăng ký hủy niêm yết tự nguyện, tổ chức yêu cầu hủy niêm yết cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Giấy đề nghị huỷ niêm yết (theo mẫu số NY-03A, NY-03B)
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc hủy bỏ niêm yết cổ phiếu; quyết định của Hội đồng
- Quản trị (trường hợp công ty cổ phần) hoặc Hội đồng thành viên (trường hợp công ty TNHH) hoặc chủ sở hữu vốn (trường hợp công ty TNHH 1 thành viên) hoặc văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền (trường hợp doanh nghiệp Nhà nước) thông qua về việc hủy bỏ niêm yết trái phiếu; quyết định của Đại hội đồng nhà đầu tư thông qua việc huỷ niêm yết của chứng chỉ quỹ.
- Phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông/ trái chủ/nhà đầu tư sau khi hủy niêm yết.
- Báo cáo đã hoàn tất phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông/ trái chủ/ nhà đầu tư sau khi hủy niêm yết.
Đăng ký niêm yết sau hủy bỏ
Khoản 3, Điều 60, Nghị định số 58 đã quy định rõ về việc đăng ký niêm yết sau hủy bỏ như sau:
“Tổ chức có chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết chỉ được đăng ký niêm yết lại sau 12 tháng kể từ khi hủy bỏ niêm yết nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 53 hoặc Điều 54 Nghị định này. Hồ sơ, thủ tục niêm yết thực hiện theo quy định tại Điều 57, Điều 58 Nghị định này”
Mua cổ phiếu bị hủy niêm yết chứng khoán thì sao?
Khi một cổ phiếu không được niêm yết trên sàn chứng khoán cũng có nghĩa cổ phiếu chính thức bị hủy bỏ niêm yết chứng khoán. Các quyền giao dịch chứng khoán lúc này sẽ không được thông qua các sàn giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán.
Luật sư Trịnh Anh Dũng – Văn phòng Luật sư Trịnh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội trên báo Giao thông từng chia sẻ Liên quan đến việc cổ phiếu bị hủy niêm yết: (đại ý) Nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu trong trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc. Nguyên nhân của việc này là do cổ phiếu bị huỷ niêm yết nhưng giá trị cổ phiếu vẫn giữ nguyên và không bị hủy.
Các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu phải có trách nhiệm đảm bảo rằng cổ phiếu mà nhà đầu tư sở hữu là hợp pháp.
Luật sư Dũng cũng chia sẻ thêm, nếu giao dịch trên sàn chứng khoán, việc mua bán cổ phiếu giữa các nhà đầu tư sẽ thuận tiện hơn, khả năng thanh khoản cao. Song trường hợp cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc, việc mua bán nhanh chóng bị giảm đi và giá trị tài sản của cổ phiếu đó ảnh hưởng không nhỏ.
Trên thị trường chứng khoán, việc hủy bỏ niêm yết chứng khoán là trường hợp thường gặp. Nhà đầu tư cũng như tổ chức phát hành chứng khoán sẽ chịu tác động lẫn hậu quả không hề nhỏ khi một chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết. Bởi các nhà đầu tư sẽ khó tìm và khó mua cổ phiếu hơn khi được giao dịch trên một sàn giao dịch chứng khoán lớn.
Quyền lợi nhà đầu tư khi cổ phiếu bị hủy niêm yết chứng khoán
Trên thực tế, việc hủy bỏ niêm yết chứng khoán là hoạt động thường thấy trên các sàn giao dịch lớn như HOSE, HNX hay UpCom. Về cơ bản, nhà đầu tư có thể nhận được các quyền lợi từ việc hủy bỏ niêm yết chứng khoán như sau:
- Giúp thanh lọc, loại bỏ những chứng khoán không uy tín, kém chất lượng, có nguy cơ làm nhiễu loạn thị trường và loại bỏ bớt những chứng khoán lừa đảo. Từ đây, giúp thị trường chứng khoán ngày càng thanh sạch, phát triển bền vững, tạo được sự tin tưởng với nhà đầu tư.
- Do bắt buộc với những điều kiện được quy định rõ ràng trong quá trình thực hiện hủy bỏ chứng khoán. Điều này, giúp các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
- Quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được bảo vệ bởi hoạt động hủy niêm yết chứng khoán góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường. Các nhà đầu tư sẽ dựa trên thông tin doanh nghiệp cung cấp, để đánh giá tiềm năng, cơ hội đầu tư. Do vậy, thông qua việc rà soát, loại bỏ với mã chứng khoán không đạt chuẩn sẽ giúp thị trường an toàn, công bằng hơn.
Kết luận
Nói tóm lại, hủy bỏ niêm yết chứng khoán là một trong những những hoạt động thường thấy trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ việc giao dịch chứng khoán hủy bỏ niêm yết. Mặc dù vậy, hành động này cũng góp phần nâng cao và làm thanh sạch thị trường chứng khoán. Với bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng có thể cung cấp cho bạn đọc những kiến thức hay về hủy bỏ niêm yết chứng khoán. Chúc các bạn giao dịch thành công.