Full Node là một trong hai loại node chính trong mạng lưới blockchain. Vậy Full node là gì? Cách hoạt động của loại node này trên blockchain ra sao? Ai nên chạy Full node? Cùng Giavang.com tìm hiểu thông qua bài viết sau đây!
Mục Lục
Full Node là gì?
Full node (Node đầy đủ) được xem như là các máy chủ chính trong mạng lưới blockchain. Vai trò của loại node này là sẽ duy trì toàn bộ lịch sử giao dịch của blockchain, xác thực giao dịch mới và sau đó thêm chúng vào blockchain để đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu và tham gia vào quá trình đồng thuận.
Xem thêm
- Blockchain là gì? Tìm hiểu ứng dụng của nó trong thực tiễn
- Node là gì? Cách hoạt động của Node trong Blockchain
- Public Blockchain là gì? Sự khác biệt giữa Public Blockchain và Private Blockchain
- Private blockchain là gì? Tiềm năng của Private blockchain trong tương lai
Các loại Full Node
Hiện tại, có hai loại Full Node đang tồn tại trên thị trường đó là: Pruned node và Archival node. Dưới đây là phần giải thích chi tiết về hai loại node này.
Pruned node
Đặc điểm chính của Pruned node là chỉ lưu giữ một phần của lịch sử giao dịch của blockchain. Cụ thể, chúng sẽ loại bỏ các dữ liệu cũ không cần thiết và chỉ lưu trữ các dữ liệu giao dịch được xem là cần thiết để blockchain hoạt động hiệu quả. Điều này không những giúp giữ được tính toàn vẹn của các dữ liệu quan trọng mà thông qua đó có thể giảm bớt được dung lượng lưu trữ mà node phải sử dụng.
Archival node
Khác với Pruned node, Archival node là loại node đóng vai trò như một bản sao lưu của blockchain khi chúng sẽ lưu trữ dữ liệu của toàn bộ blockchain trong hệ thống cơ sở dữ liệu. Đây là một loại node phổ biến nhất và đa phần các full node trên blockchain đều thuộc loại Archival node.
Trong Archival node, chúng còn được chia nhỏ ra thành 4 nhóm như sau: authority node, miner node, staking node và master node.
- Authority Node: Là những validator thường được bầu chọn bởi cộng đồng, chịu trách nhiệm xác thực và đảm bảo tính liên tục của một blockchain cụ thể.
- Miner node: Là các node sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work để tìm lời giải cho những bài toán có mức độ phức tạp cao. Các miner này sau đó sẽ nhận được phần thưởng và thêm khối mới vào blockchain nếu giải bài toán thành công.
- Staking node: Thường được ứng dụng trên các blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake. Và để tham gia vào quá trình xác thực của các blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận này, mỗi node sẽ phải đặt cược một lượng token nhất định do dự án quy định.
- Master node: Các node này được tạo ra chỉ để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt, chẳng hạn như xác thực giao dịch và duy trì các bản sao của dữ liệu. Tuy nhiên, chúng sẽ không có quyền được thêm khối mới vào blockchain.
Full Node trong blockchain hoạt động như thế nào?
Bên cạnh công việc xác thực các giao dịch, các full node còn chịu trách nhiệm lưu trữ bản ghi của toàn bộ giao dịch đã được xác thực trên blockchain. Để chạy full node, mỗi blockchain cũng sẽ có các yêu cầu về dữ liệu khác nhau. Cụ thể:
- Trên blockchain Bitcoin, việc vận hành full node sẽ yêu cầu khoảng vài trăm GB dung lượng và bắt buộc phải dùng máy tính cá nhân có phần cứng mạnh mẽ để chạy.
- Mặt khác, đối với blockchain Ethereum, việc chạy full node chỉ có thể được vận hành bởi các máy tính doanh nghiệp với phần cứng chuyên dụng và có khả năng lưu trữ dữ liệu khổng lồ. Lý do là bởi blockchain Ethereum yêu cầu các full node phải có dung lượng lưu trữ tối thiểu là 1 TB.
Qua đó có thể thấy được rằng, các full node đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tính bảo mật, phân cấp và khả năng phục hồi của blockchain. Trong trường hợp nếu như có xảy ra các sự cố nghiêm trọng như sập mạng, bị tấn công, một số node ngoại tuyến,…thì nhờ vào việc đã lưu lại các bản ghi của toàn bộ lịch sử giao dịch trên mỗi full node mà blockchain vẫn có thể duy trì được sự hoạt động của chúng hoặc khôi phục lại bình thường.
Ai có thể thể chạy Full Node?
Phần thưởng dành cho các validator hay những người vận hành node trong quá trình chạy full node sẽ là token, đến từ phí giao dịch và phần thưởng khối (đối với blockchain PoW). Và phần thưởng này sẽ càng có giá trị hơn nếu giá token ngày càng một tăng cao.
Trái lại, để chạy được full node đòi hỏi người dùng cần phải bỏ ra một khoảng chi phí cực kỳ lớn để đầu tư cho các phần cứng. Do đó, người chạy full node phải là những đối tượng:
- Am hiểu sâu sắc về cách mà một blockchain vận hành như thế nào.
- Có chuyên môn kỹ thuật trong các khâu như cài đặt phần mềm máy khách (client), cấu hình hay là thiết lập phần cứng,…
- Tài chính đủ mạnh thì mới có khả năng đầu tư vào các phần cứng mạnh mẽ và tài nguyên lớn.
Lời kết
Bên trên là những thông tin cơ bản về Full node và cách mà chúng hoạt động trên mạng lưới blockchain như thế nào. Mong rằng thông qua bài viết, Giavang.com đã mang đến cho quý bạn đọc những góc nhìn tổng quan về Full node cũng như làm sao để trở thành các validator chạy full node hiệu quả. Chúc các bạn thành công.