Định giá doanh nghiệp là một vấn đề vô cùng quan trọng, nhất là đối với các startup đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Vậy trên thực tế định giá doanh nghiệp là gì và đâu là những phương pháp định giá doanh nghiệp mà bạn cần biết? Hãy cùng giavang.com tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.
Mục Lục
Định giá doanh nghiệp là gì?
Định giá doanh nghiệp thực chất là quá trình xác định giá trị của một công ty bằng cách sử dụng các kỹ thuật định giá doanh nghiệp. Thu nhập mà các nhà đầu tư có được từ hoạt động của doanh nghiệp được sử dụng để thể hiện giá trị của một công ty về mặt tài chính.
- Chu kỳ kinh tế là gì? Làm gì trong thời điểm khó khăn của chu kỳ kinh tế?
- Khẩu vị rủi ro là gì? Chiến lược đầu tư cho từng cấp độ khẩu vị rủi ro
- Tất toán là gì? Những thủ tục và hồ sơ chuẩn bị để tất toán
- Nợ quá hạn là gì? Nợ quá hạn có phải là nợ xấu không?
Mục đích của việc định giá doanh nghiệp
Việc định giá của doanh nghiệp được thực hiện bởi những mục đích sau đây:
- Xác định giá trị để dựa theo xây dựng các chiến lược kinh doanh
Hàng năm, các doanh nghiệp đều xây dựng nên các chiến lược dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Để có thể định hướng đúng đắn, doanh nghiệp cần phải “biết mình, biết ta”. Người đứng đầu cần hiểu được giá trị và vị thế của công ty, từ đó đề ra các chiến lược hợp lý. Đây chính là mục đích lớn nhất của việc định giá doanh nghiệp.
- Xác định giá trị nhằm thực hiện việc mua hoặc bán doanh nghiệp
Việc tính toán được giá trị hợp lý của doanh nghiệp là vấn đề cần thiết để có thể “thuận mua, vừa bán” doanh nghiệp. Người bán sẽ đề xuất một con số nhất định với nhà đầu tư sau khi đã xác định được giá trị của doanh nghiệp. Trong khi đó, trước khi lựa chọn mua, người mua cũng cần đánh giá kỹ giá trị nội tại và tiềm năng của công ty.
- Xác định giá trị để vay vốn hoặc kêu gọi đầu tư:
Chứng minh khả năng trả nợ là một trong những yếu tố quan trọng để có thể vay nợ hoặc kêu gọi đầu tư. Các đối tác cho vay và nhà đầu tư sẽ cần xem xét kỹ về giá trị thực và tiềm năng tăng trưởng để từ đó quyết định có cho vay hay đầu tư vào công ty không.
- Xác định giá trị để định giá cổ phiếu doanh nghiệp:
Việc định giá doanh nghiệp là rất quan trọng nếu chủ sở hữu hy vọng tăng số lượng cổ đông, đặc biệt là thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng. Chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể quyết định giá trị cổ phần của công ty thông qua định giá và sử dụng thông tin đó để quyết định nên mua hay bán cổ phiếu.
- Xác định giá trị để giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý:
Các sự kiện pháp lý như tranh chấp, ly hôn, thừa kế,… có liên quan đến việc xử lý, chia tách hoặc phân quyền công ty sẽ cần đến định giá doanh nghiệp. Đối với những sự kiện này, luật sư và các bên có thẩm quyền liên quan sẽ tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý theo quy định của pháp luật.
Các phương pháp định giá doanh nghiệp hiện nay
Dựa vào bảng cân đối kế toán
Giá trị tài sản được báo cáo trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm giá trị doanh nghiệp được yêu cầu sẽ là giá trị doanh nghiệp, theo bảng cân đối kế toán.
- Ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện
- Nhược điểm là đa phần giá trị của tài sản được báo cáo trên bảng cân đối đều là giá trị lịch sử nên tính hữu ích sẽ khá hạn chế.
Phương pháp này chỉ mang tính chất lý thuyết và ít được ứng dụng vào thực tế.
Phương pháp dựa vào kết quả kiểm kê và đánh giá lại tài sản
Cách tiếp cận này được đánh giá bằng cách sử dụng kết quả kiểm kê và đánh giá lại tài sản của doanh nghiệp sử dụng giá trị thị trường tại thời điểm định giá. Chiến lược này kêu gọi các chuyên gia định giá doanh nghiệp trực tiếp kiểm kê và đánh giá lại giá trị của từng tài sản thuộc sở hữu của công ty.
- Ưu điểm là phương pháp này đem đến các thông tin khá tin cậy về giá trị thị trường của tổng tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm định giá.
- Nhược điểm là thông tin chỉ thể hiện giá trị tại trạng thái tĩnh – giá trị thanh lý doanh nghiệp.
Phương pháp này được dùng để cung cấp thông tin trong trường hợp giải thể hay phá sản, phương pháp định giá doanh nghiệp này thường có rất ít giá trị thực tế.
Phương pháp chiết khấu dòng tiền
Phương pháp chiết khấu dòng tiền là phương pháp khá hiệu quả và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, đây là cách tiếp cận khá phức tạp đòi hỏi nhiều chuyên môn cũng như dữ liệu đầu vào.
- Ưu điểm là đánh giá được cả giá trị trong hiện tại và giá trị tương lai của công ty. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mà giá trị tiềm năng được tạo ra trong tương lai, các doanh nghiệp mới như startup hoặc các doanh nghiệp không có nhiều tài sản cố định như công ty công nghệ.
- Nhược điểm là đây là 1 phương pháp khó, đòi hỏi người định giá phải có chuyên môn cao và khả năng xảy ra sai số tương đối cao.
Những lưu ý khi định giá doanh nghiệp
Xác định giá trị công ty là một nhiệm vụ đòi hỏi kiến thức sâu rộng, chuyên môn và tầm nhìn. Sau đây là một số lưu ý quan trọng khi tiến hành định giá:
- Hãy chọn đúng người cố vấn
Thông thường, khi nghĩ đến định giá, chúng ta nghĩ ngay đến những cái tên như ngân hàng đầu tư, tổ chức định giá. Tuy nhiên, việc lựa chọn đúng chuyên gia tư vấn còn quan trọng hơn thế. Ngoài một chuyên gia giỏi tính toán, việc định giá chính xác nhất cần một đối tác có hiểu biết thấu đáo về thị trường và lĩnh vực mà công ty hoạt động. Do đó, nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra những tiêu chí cụ thể để chọn cố vấn phù hợp.
- Nhìn đúng và đủ về tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp
Một định giá đầy đủ nên có cả dự đoán về bức tranh của doanh nghiệp trong ít nhất 5 năm tới, để nhìn thấy được hết khả năng phát triển cũng như rủi ro có thể gặp phải. Thị trường luôn luôn vận động và phát triển, do đó việc đánh giá cũng không nên chỉ dừng ở trạng thái tĩnh.
- Thận trọng trong việc kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng
Lời kết
Trên đây là tổng quan thông tin về định giá doanh nghiệp và các phương pháp phổ biến được sử dụng. Trên thực tế, việc định giá doanh nghiệp khá phức tạp và đòi hỏi cần thời gian để tìm hiểu và đánh giá.