Theo các số liệu thống kê, mã cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam hiện đang gây ấn tượng mạnh. BID tăng 4,27% lên mức 46.400 đồng/cp dẫn dắt thị trường trong những phiên đầu tuần.
Cổ phiếu BID chính thức nổi sóng kể từ đầu tháng 11 năm 2023 cho đến nay. Trong 03 tháng, giá cổ phiếu BID đã tăng gần 31% tạo điều kiện cho vốn hóa thị trường tăng thêm từ 62.000 tỷ (~2,5 tỷ USD) lên mức 264.000 tỷ đồng (~11 tỷ USD).
Nhờ đó mà ngân hàng BIDV có thể giữ vững được vị trí số 2 về vốn hóa trên các sàn chứng khoán (chỉ sau Vietcombank).
Những kết quả tích cực này mang đến nhiều niềm vui không nhỏ cho cổ đông Keb Hana Bank (chính thức trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng BIDV từ cuối năm 2019 sau khi mua hơn 603,3 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ với giá bán 33.640 đồng/cổ phiếu). Keb Hana Bank đang “tạm lãi” khoảng 19.400 tỷ đồng sau hơn 4 năm làm cổ đông chiến lược tại BIDV.
Lợi nhuận lần đầu vượt bậc lên đến 1 tỷ USD
Kể từ thời điểm mà Keb Hana Bank trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng BIDV, đơn vị đã liên tục tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2020-2023. Chỉ trong năm 2023, ngân hàng ước lãi trước thuế hợp nhất 27.400 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2022.
Có thể đánh giá, ngân hàng BIDV đang sở hữu mức lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big 4 (chỉ sau Vietcombank (hơn 41.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, mức độ tăng trưởng còn được thể hiện qua các dữ liệu sau:
- Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 1,1%
- Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu) đạt 192%
- Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%, đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao.
- Mức huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%
Trong năm 2024, BIDV cũng sẽ đề ra nhiều kế hoạch phát triển trung và dài hạn khác nhằm giữ vững được vị thế của đơn vị.