Chứng quyền là một trong những sản phẩm phái sinh và nó sẽ biến động liên tục. Nhiều người cho rằng chứng quyền rất khó hiểu và rắc rối. Tuy nhiên chỉ cần bạn hiểu rõ đúng bản chất của nó sẽ giúp bạn kiếm rất nhiều tiền. Hôm nay, hãy cùng giavang.com tìm hiểu cụ thể về chứng quyền nhé!
Mục Lục
- 1 Chứng quyền là gì?
- 2 Ví dụ về chứng quyền
- 3 Phân loại chứng quyền
- 4 Những thuật ngữ trong chứng quyền
- 5 Các trạng thái của chứng quyền
- 6 Chứng quyền có đảm bảo là gì?
- 7 Phân biệt chứng quyền có đảm bảo và quyền chọn
- 8 Phân biệt chứng quyền và chứng khoán phái sinh
- 9 Các yếu tố ảnh hưởng đến giá chứng quyền đảm bảo
- 10 Những cơ hội và rủi ro của chứng quyền
- 11 Kết luận
Chứng quyền là gì?
Chứng quyền (CW – Covered Warrant) là một loại chứng khoán cho phép nhưng không bắt buộc người nắm giữ có thể mua/bán một chứng khoán cơ sở tại một mức giá xác định ở một thời điểm xác định trong tương lai.
Hiện tại trên thị trường Việt Nam, theo quy định của Ủy ban chứng khoán và sở giao dịch thì các công ty chứng khoán chỉ được phép phát hành Chứng quyền mua, Thực hiện quyền theo kiểu châu Âu (thanh toán tại ngày đáo hạn), thanh toán bằng tiền mặt.
Nhiều người còn ví von mua chứng quyền tương tự như mua vé số vì kết quả lời hay lỗ đều đặt cược vào kết quả trong tương lai. Hãy quan sát hình minh họa dưới đây:
Ví dụ về chứng quyền
Ngày 13/06/2019, nhà đầu tư A mua 1,000 Chứng quyền trên cổ phiếu FPT (Giá hiện tại của FPT là 45,000 đồng) với các thông số sau:
- Tỷ lệ chuyển đổi: 2:1
- Thời hạn CW: 3 tháng
- Ngày đáo hạn: 11/09/2019
- Giá thực hiện 45,000 đồng
- Giá CW: 1,900 đồng/CW
Vậy số tiền nhà đầu tư A phải trả để mua 1,000 CW FPT là: 1000 * 1.900 = 1.900.000 đồng
Sau 02 tháng:
Giả sử giá một chứng quyền mua trên thị trường là 2.500 đồng. Quý khách có thể chốt lời bằng việc bán lại CW ngay thời điểm này trên sở Giao dịch chứng khoán.
Mức lời của Quý khách = 1000 x (2500-1900)= 600.000 đồng
Vào ngày đáo hạn:
Giả sử Quý khách nắm giữ đến ngày đáo hạn và giá thanh toán đối với cổ phiếu FPT là 60.000 đồng.
Tổ chức phát hành sẽ thanh toán cho Quý khách số tiền là: 1000/2(60.000-45000)=7.500.000 đồng
Mức sinh lời của Quý khách là:
7.500.000 đồng- 1.900.000 đồng ( tổng số tiền bỏ ra để sở hữu CW) = 5.600.000 đồng
Phân loại chứng quyền
Tương tự như cổ phiếu, chứng quyền được niêm yết tại sàn giao dịch, tính thanh khoản của nó sẽ được đảm bảo bởi công ty phát hành. Hiện nay, chứng quyền có hai loại như sau:
- Chứng quyền mua: đây là loại chứng quyền cho phép nhà đầu tư có thể mua một số lượng chứng khoán cơ sở hoặc nhận chênh lệch tăng khi giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm đáo hạn cao hơn so với giá xác định trước đó.
- Chứng quyền bán: đây là loại chứng quyền cho phép nhà đầu tư bán một số lượng chứng khoán cơ sở tại thời điểm đáo hạn cao hơn so với giá đã xác định trước đó.
Những thuật ngữ trong chứng quyền
Một số thuật ngữ trong chứng quyền mà nhà đầu tư cần nắm:
Thông tin | Ý nghĩa | Ví dụ |
Tài sản cơ sở | Chứng khoán cơ sở của chứng quyền có thể là cổ phiếu, chỉ số chứng khoán hoặc chứng chỉ quỹ ETF. | Cổ phiếu MBB phát hành tháng 6/2019 |
Giá chứng quyền | Là khoản chi phí mà nhà đầu tư phải bỏ ra nếu muốn sở hữu CW. | 3,200 VNĐ |
Giá thực hiện | Là mức giá để nhà đầu tư thực hiện quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở khi CW đáo hạn. | 21,800 VNĐ |
Giá cổ phiếu tại ngày đáo hạn | Là giá CKCS 5 phiên giao dịch liền trước ngày đáo hạn chứng quyền | 30,000 VNĐ |
Tỷ lệ chuyển đổi | Cho biết số CW mà nhà đầu tư cần phải có để đổi lấy một chứng khoán cơ sở. | 2:1 |
Thời hạn chứng quyền | Là thời gian lưu hành của CW, tối thiểu là 3 tháng và tối đa là 24 tháng. | 6 tháng |
Ngày giao dịch cuối cùng | Là ngày giao dịch trước hai (02) ngày so với ngày đáo hạn của chứng quyền có bảo đảm và là ngày cuối cùng mà chứng quyền còn được giao dịch. | 15/12/2019 |
Ngày đáo hạn | Là ngày cuối cùng mà người sở hữu chứng quyền được thực hiện chứng quyền. | 17/12/2019 |
Kiểu thực hiện quyền | Gồm 2 kiểu thực hiện quyền: kiểu Châu Âu và kiểu Châu Mỹ. Theo đó, châu Âu thực hiện quyền tại ngày đáo hạn, châu Mỹ thực hiện bất kì ngày nào trước đáo hạn | Châu Âu |
Phương thức thanh toán khi thực hiện quyền | Bằng tiền mặt. Theo đó, người sở hữu CW sẽ nhận được khoảng tiền chênh lệch khi giá thanh toán của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện. | (30,000 – 21,800)/2 = 4,100 VNĐ/CW |
Các trạng thái của chứng quyền
Khi tham gia đầu tư chứng quyền bên cạnh những lợi nhuận nhận được sẽ đi kèm những rủi ro tiềm ẩn. Và biến động giá chứng khoán cơ sở sẽ tham chiếu xác định trạng thái của chứng quyền vào ngày đáo hạn. Các nhà đầu tư hãy lưu ý những trạng thái chứng quyền sau đây khi đang tham gia chơi chứng quyền:
- Trạng thái lãi: Khi giá chứng khoán cơ sở đáo hạn cao hơn so với mức giá thực hiện và phí chứng quyền (theo quy định của sàn giao dịch). Lúc đầu, sàn giao dịch sẽ tiến hành thanh toán tiền lãi cho nhà đầu tư, bằng mức chênh lệch giá chứng khoán cơ sở.
- Trạng thái hòa vốn: Khi giá chứng khoán cơ sở đáo hạn bằng giá thực hiện và phí chứng quyền. Thời điểm này, nhà đầu tư sẽ nhận lại được phí mua chứng quyền ban đầu từ sàn giao dịch.
- Trạng thái lỗ một phần: [Giá thực hiện] < [Giá chứng khoán cơ sở đáo hạn] < [Giá thực hiện + phí chứng quyền]. Nhà đầu tư nhận được phần còn lại của phí mua chứng quyền ban đầu trừ đi khoản lỗ.
- Trạng thái lỗ toàn bộ: [Giá chứng khoán cơ sở đáo hạn] =< [Giá thực hiện]. Lúc này, nhà đầu tư sẽ thua lỗ toàn bộ và không nhận được khoản thanh toán nào từ sàn giao dịch.
Lưu ý quan trọng khi xác định trạng thái chứng quyền:
- Trạng thái lãi hoặc lỗ khi nhà đầu tư thực hiện giao dịch trước ngày đáo hạn sẽ được tính như chứng quyền cơ sở.
- Nhà đầu tư cần theo dõi và giao dịch chứng quyền theo đúng bảng giá của sàn giao dịch quy định.
Chứng quyền có đảm bảo là gì?
Ngoài định nghĩa về chứng quyền ở trên, một cụm từ cũng được thường xuyên được nhiều nhà đầu tư nhắc đến là chứng quyền có đảm bảo. Vậy cụ thể, chứng quyền có đảm bảo là gì?
Chứng quyền có bảo đảm là chứng quyền được đảm bảo bởi tổ chức phát hành. Khi phát hành chứng quyền cho nhà đầu tư, tổ chức phát hành sẽ có các biện pháp bảo đảm bằng cách mua chứng khoán cơ sở trên thị trường và đặc điểm của nó sẽ tương tự như hợp đồng quyền chọn.
- Xem thêm: Tìm hiểu về hợp đồng quyền chọn
Phân biệt chứng quyền có đảm bảo và quyền chọn
Như đã đề cập ở trên, chứng quyền có đảm bảo có những điểm khá giống quyền chọn, bởi chứng quyền giúp người nắm giữ hưởng lợi từ sự tăng hoặc giảm trong giá của tài sản cơ sở bằng việc mua hoặc bán chứng quyền.
Dưới đây, chúng tôi làm bảng phân biệt giữa hai loại này để các bạn nhìn thấy sự khác nhau của nó:
Nội dung | Chứng quyền đảm bảo | Quyền chọn (Option) |
Tổ chức phát hành | Tổ chức tài chính, công ty chứng khoán | Sở giao dịch chứng khoán |
Thị trường giao dịch | Niêm yết trên thị trường chứng khoán | Phái sinh, giao dịch thỏa thuận |
Thời gian đáo hạn | Dài (1 – 2 năm) | Ngắn (3 – 6 tháng) |
Chuyển giao tài sản | Giữa nhà đầu tư và công ty chứng khoán | Giữa các nhà đầu tư |
Tính thanh khoản | Cao vì được niêm yết trên sàn chứng khoán | Thấp vì không có thị trường thứ cấp |
Điều khoản | Thiết kế bởi Công ty Chứng khoán, điều khoản khác nhau với từng sản phẩm. | Sở giao dịch Chứng khoán ban hành, được chuẩn hóa. |
Phân biệt chứng quyền và chứng khoán phái sinh
Giống nhau
Như đã đề cập ở trên, hai loại hình này đều là sản phẩm của chứng khoán nên sẽ có những điểm giống nhau sau đay:
- Người sở hữu sẽ có quyền, nhưng lại không có nghĩa vụ mua cổ phiếu cơ sở hoặc chứng quyền với mức giá được xác định trước ở một thời điểm nhất định.
- Tài sản cơ sở có thể là cổ phiếu, chỉ số hay chứng quyền đảm bảo.
- Phương thức thanh toán: 2 hình thức là tiền mặt hoặc chuyển qua tài sản cơ sở.
- Thời gian đáo hạn sẽ được xác định cụ thể.
Khác nhau
Dưới đây là tổng hợp những điểm khác nhau của chứng quyền và phái sinh, các nhà đầu tư hãy tham khảo bảng dưới đây:
Chứng quyền đảm bảo | Chứng khoán phái sinh | ||
Hợp đồng tương lai | Hợp đồng quyền chọn | ||
Tổ chức phát hành | Tổ chức tài chính | Sở giao dịch Chứng khoán | |
Thị trường giao dịch | Thị trường chứng khoán cơ sở và sử dụng tài khoản chứng khoán cơ sở để giao dịch | Thị trường chứng khoán phái sinh và cần mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh để sử dụng | |
Điều khoản sản phẩm | Do tổ chức phát hành đưa ra, mỗi sản phẩm sẽ có những quy định khác nhau | Do Sở giao dịch chứng khoán ban hành và chuẩn hóa từng điều khoản | |
Khối lượng niêm yết | Quy định số lượng phát hành trong thời gian cụ thể | Số lượng hợp đồng tương lai/quyền chọn giao dịch phụ thuộc vào cung cầu | |
Ký quỹ | Không cần ký quỹ | Ký quỹ ban đầu và cần duy trì mức ký quỹ theo quy định | Bên bán bắt buộc phải ký quỹ đảm bảo thanh toán |
Bán khống | Không được phép bán chứng quyền khi chưa nắm giữ | Được phép mở vị thế bán khống ngay cả khi chưa nắm giữ | Được phép bán quyền chọn không nắm giữ |
Rủi ro thanh toán | Không có trung tâm bù trừ, sẽ gặp rủi ro khi tổ chức phát hành không còn khả năng thanh toán | Trung tâm bù trừ đảm bảo khả năng thanh toán | |
Rủi ro lợi nhuận | Người mua: Cố định tối đa lỗ bằng phí quyền mua Người bán: Lỗ không giới hạn | Người mua và người bán: Lỗ không giới hạn |
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá chứng quyền đảm bảo
Giá của chứng quyền sẽ bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố, tiêu biểu nhất là 4 yếu tố sau đây:
- Chênh lệch giữa giá thị trường của chứng khoán cơ sở và giá thực hiện quyền: đây là yếu tố đầu não để có thể xác định được giá trị nội tại của chứng quyền. Độ chênh lệch giữa hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến giá CW.
- Thời gian đáo hạn: thể hiện giá trị thời gian của CW, nếu như thời gian đáo hạn của CW càng dài thì giá trị của CW càng cao.
- Biến động giá chứng khoán cơ sở: đây là mức độ dao động giá của chứng khoán cơ sở. Nếu chứng khoán cơ sở có biên độ dao động giá càng lớn thì khả năng tạo ra lợi nhuận của nhà đầu tư càng lớn, vì vậy giá của CW cũng cao.
- Lãi suất: Khi quyết định tăng hoặc giảm lãi suất cũng tác động đến việc xác định giá của CW. Ví dụ: khi nhà đầu tư quyết định mua một chứng quyền mua, nhà đầu tư đã trì hoãn việc thanh toán giá thực hiện cho đến ngày đáo hạn. Việc trì hoãn này đã tiết kiệm cho nhà đầu tư một khoản tiền so với việc trực tiếp mua chứng khoán cơ sở và khoản tiết kiệm này được hưởng thu nhập từ lãi suất. Khi lãi suất tăng, khoản thu nhập của nhà đầu tư sẽ lớn hơn. Do đó, nhà đầu tư phải trả nhiều tiền hơn cho CW mua và ít hơn đối với CW bán.
Những cơ hội và rủi ro của chứng quyền
Cơ hội
- Nguồn vốn thấp, chi phí giao dịch thấp: Đầu tư chứng quyền chỉ cần bỏ ra một số vốn nhỏ. Bởi giá chứng quyền được những công ty phát hành rất nhỏ, nhỏ hơn giá chứng khoán cơ sở hiện tại trên thị trường.
- Có thể giới hạn được mức lỗ: khoản lỗ tối đa được giới hạn ngay từ khi bắt đầu mua chứng quyền.
- Tính đòn bẩy cao: đây là một đặc tính tự nhiên của những sản phẩm chứng quyền.
- Không yêu cầu ký quỹ: khi đầu tư chứng quyền, nhà đầu tư không cần lo lắng vì Call Margin.
- Thanh khoản cao: những sản phẩm chứng quyền được đảm bảo tính thanh khoản cao bởi chính công ty phát hành. Vì thế, nhà đầu tư chứng quyền không cần phải lo về nguy cơ không bán được.
Rủi ro khi đầu tư chứng quyền
Bên cạnh những cơ hội hấp dẫn có được thì bên cạnh cũng có những rủi ro mà các nhà đầ tư cần biết để có thể tránh gặp phải, cụ thể như sau:
- Có biến động mạnh: đòn bẩy cao vừa là lợi ích vừa mang đến rủi ro. Nếu như biến động giá cơ sở đi ngược lại với giá dự đoán ban đầu thì tỷ lệ lỗ sẽ tăng theo tỷ lệ đòn bẩy.
- Vòng đời chứng khoán ngắn, tối đa khoảng 24 tháng. Đây là một hạn chế lớn khi đầu tư sản phẩm chứng quyền. Tới ngày đáo hạn, chứng quyền sẽ hết giá trị, không còn quyền mua hoặc quyền bán. Vì thế nếu bạn muốn đầu tư sinh lời bền lâu thì đây không phải là lựa chọn tối ưu cho bạn.
- Biến động khó lường của thị trường: Thị trường chứng khoán biến động không thể đoán trước được, điều này sẽ một phần ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư chứng quyền của bạn.
- Tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán: Tổ chức phát hành có nghĩa vụ bắt buộc thanh toán phần chênh lệch lãi cho nhà đầu tư tại thời điểm đáo hạn do đó nhà đầu tư chịu rủi ro không nhận được phần này nếu tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán.
Để bảo vệ nhà đầu tư, Ủy ban chứng khoán đưa ra quy định phòng ngừa rủi ro và đặt cọc thanh toán như sau: Tổ chức phát hành phải mua vào chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro giá lên cho chứng quyền mua và phải đặt cọc 50% số tiền thu được từ phát hành chứng quyền.
Kết luận
Qua bài viết này, giavang.com hy vọng rằng các bạn đã có thêm thông tin về chứng quyền là gì cũng như có thể tận dụng kiến thức trong giao dịch chứng khoán để tối ưu mức lợi nhuận mong muốn của mình. Chúc các bạn thành công!