Gửi tiết kiệm ngân hàng, tham gia bảo hiểm nhân thọ hay mua cổ phiếu là những hình thức bạn sẽ nghĩ đến ngay khi đề cập đến đầu tư sinh lời. Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi cũng là sự lựa chọn lý tưởng để tăng thu nhập từ số tiền nhàn rỗi của bạn. Vậy chứng chỉ tiền gửi là gì? Rủi ro khi tham gia? Hãy cùng giavang.com tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây!
Mục Lục
- 1 Chứng chỉ tiền gửi là gì?
- 2 Mục đích phát hành của chứng chỉ tiền gửi
- 3 Có bao nhiêu loại chứng chỉ tiền gửi?
- 4 Chứng chỉ tiền gửi có an toàn không?
- 5 Chứng chỉ tiền gửi khác gì sổ tiết kiệm?
- 6 Quy định của pháp luật về chứng chỉ tiền gửi
- 7 Quyền lợi khi tham gia chứng chỉ tiền gửi
- 8 Chứng chỉ tiền gửi ngân hàng nào cao nhất?
- 9 Lời kết
Chứng chỉ tiền gửi là gì?
Chứng chỉ tiền gửi có tên tiếng Anh là Certificate of Deposit. Đây là một loại giấy tờ có mệnh giá được các ngân hàng phát hành và kiểm soát. Mục đích là để huy động nguồn vốn từ các cá nhân hoặc tổ chức. Căn bản loại giấy tờ này chứng minh bạn đang có một khoản tiền gửi có kỳ hạn, trông khá giống như sổ tiết kiệm.
Trong đó, tổ chức phát hành có thể là tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành.
Vào năm 1961 ở Mỹ, loại hình chứng chỉ này xuất hiện và dần được phổ biến hơn ở Anh. Tại thời điểm đó, chứng chỉ tiền gửi được xem như một dạng trái phiếu. Khi sở hữu, bạn có thể toàn quyền quyết định như chuyển nhượng hay tặng người khác.
Tương tự các sản phẩm tài chính khác, bạn vẫn sẽ được hưởng các lãi suất định kỳ theo quy định của ngân hàng. Do đó, bạn có thể yên tâm về mức độ minh bạch và an toàn của loại hình chứng chỉ này.
Bài viết liên quan
Chiến lược đầu tư chứng khoán cho người ít vốn
Room tín dụng là gì? 18 ngân hàng được nới room tín dụng
Trích lập dự phòng là gì? Các khoản trích lập dự phòng
Thu nhập thụ động là gì? Cách đa dạng nguồn thu nhập mỗi tháng
Mục đích phát hành của chứng chỉ tiền gửi
Mỗi nhà đầu tư sẽ có mục đích sử dụng chứng chỉ tiền gửi khác nhau. Họ xem “mảnh giấy” này như một phương tiện tạo ra thu nhập lãi suất cao và không mạo hiểm. Đối với người phát hành, chứng chỉ tiền gửi đóng vai trò huy động vốn.
Chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn thường được ưu tiên hơn do lợi nhuận cao, chuyển đổi đơn giản và dễ thanh khoản trong thời kỳ thị trường có nhiều biến động.
Mục tiêu chính của chứng chỉ tiền gửi đối với tổ chức phát hành là tuân thủ Basel II. Tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn, cơ cấu huy động vốn đảm bảo an toàn.
Không thể phủ nhận kênh đầu tư này khá an toàn và ít rủi ro so với các hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên bạn cũng không được chủ quan, phải chủ động tìm hiểu kỹ và dự phòng trước những rủi ro bất ngờ xảy ra trong kỳ hạn chứng chỉ.
Có bao nhiêu loại chứng chỉ tiền gửi?
Có thể thấy chứng chỉ tiền gửi là kênh đầu tư được đánh giá cao từ trước đến nay. Bởi những lợi ích mà loại hình chứng chỉ này đem đến khá hấp dẫn. Hiện nay, có 3 loại chứng chỉ tiền gửi như sau:
- Chứng chỉ tiền gửi ghi danh: Là chứng chỉ hoặc ghi sổ có định danh người sở hữu.
- Chứng chỉ tiền gửi vô danh: Là loại giấy tờ có giá phát hành dưới dạng chứng chỉ hoặc ghi sổ nhưng không mang tên chủ sở hữu. Vì thế có thể dễ dàng chuyển nhượng hoặc tặng lại quyền sở hữu thuộc về người nắm giữ.
- Chứng chỉ tiền gửi ghi sổ: không phép chuyển nhượng, thường được bán theo mệnh giá và nhận lãi vào ngày đáo hạn.
Chứng chỉ tiền gửi có an toàn không?
Để có thể trả lời câu hỏi trên, nhà đầu tư hãy tìm hiểu về ưu/nhược điểm của loại hình chứng chỉ này.
Ưu điểm | Nhược điểm |
Loại hình chứng chỉ này được phát hành bởi các tổ chức tín dụng uy tín phát hành. Do đó, bạn có thể yên tâm về tính an toàn và không có rủi ro. | Tính thanh khoản thấp. |
Tương tự với gửi tiết kiệm, gốc và lãi được đảm bảo trong suốt thời hạn chứng chỉ. | Lãi suất dài hạn còn thấp. |
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi thường cao hơn so với lãi suất tiết kiệm trong cùng kỳ hạn. | Không được tất toán trước khi đáo hạn. |
Tự do chuyển nhượng, mua bán hoặc cho tặng tùy thuộc các mục đích khác nhau của chủ sở hữu. |
Một sự thật là lãi suất của loại chứng chỉ này cao hơn hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, tính thanh khoản lại thấp. Do đó, bạn nên cân nhắc các rủi ro tài chính tiềm ẩn trước khi mua.
Chứng chỉ tiền gửi khác gì sổ tiết kiệm?
Nhiều người thường nhầm lẫn chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm là một. Tuy nhiên, đây là hai hình thức hoàn toàn khác nhau. Chúng có những đặc điểm riêng biệt, cụ thể như sau:
Đặc điểm | Chứng chỉ tiền gửi (CCTG) | Sổ tiết kiệm |
Lãi suất | Lãi cao và ổn định hơn, tùy vào dài hạn hay trung hạn. | Mỗi ngân hàng có mức lãi suất khác nhau, tùy kỳ hạn. |
Kỳ hạn | Kỳ hạn dài, tùy theo đợt và ngân hàng. | Các kỳ hạn ngắn từ 1, 2, 3, trung hạn từ 6, 9 tháng và dài hạn gồm 12, 24, 36 tháng,… |
Tính thanh khoản | Không được phép rút trước hạn. Trong trường hợp cấp bách bắt buộc phải rút, bạn cần đáp ứng đạt tối thiểu ½ kỳ hạn mới được phép rút. Tuy nhiên vẫn phải phụ thuộc vào quy định từng ngân hàng. | Có thể rút tiền dễ dàng khi đến hạn. Có thể rút trước hạn nhưng phải chịu mức lãi suất không kỳ hạn thường thấp 0,1-0,2%/năm. |
Mỗi hình thức đầu tư đều có những ưu/nhược điểm riêng. Do đó, bạn nên tìm hiểu và phân tích kỹ nhu cầu, mục tiêu cá nhân để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho kênh đầu tư hiệu quả phù hợp.
Chứng chỉ tiền gửi là lựa chọn tốt nhất cho các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến lãi suất, cam kết không rút trước hạn. Còn nếu khoản tiền của bạn không cố định, muốn dự phòng cho những trường hợp cần tiền gấp thì chọn gửi tiết kiệm.
Để sinh lợi và nâng cao giá trị tài sản, bạn có thể chia số tiền thành 2 phần nếu muốn đầu tư vào 2 kênh này. Một phần cho chứng chỉ tiền gửi cố định, dài hạn, lãi suất cao. Về tài khoản tiết kiệm khẩn cấp có thể linh hoạt cho các trường hợp cấp bách mà không ảnh hưởng đến tính thanh khoản.
Quy định của pháp luật về chứng chỉ tiền gửi
Nguyên tắc phát hành
Điều 11 Thông tư 01/2021/TT-NHNN có quy định về nguyên tắc phát hành loại chứng chỉ này như sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây sẽ gọi chung là tổ chức phát hành) cần chủ động tổ chức các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi theo quy định. Đồng thời tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn đã được quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và tuân theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
- Tổ chức phát hành được phát hành chứng chỉ tiền gửi trực tiếp cho người mua tại địa điểm giao dịch hợp pháp nằm trong mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
- Chứng chỉ tiền gửi phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc chứng nhận quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi phải có đầy đủ các nội dung sau:
- Tên tổ chức phát hành.
- Tên gọi của chứng chỉ tiền gửi.
- Ký hiệu và số seri phát hành.
- Chữ ký người đại diện hợp pháp của tổ chức phát hành và các chữ ký khác theo quy định.
- Mệnh giá, thời hạn, ngày phát hành và ngày đáo hạn chứng chỉ.
- Lãi suất, phương thức và thời điểm trả lãi, địa điểm thanh toán gốc và lãi.
- Họ tên, số Chứng minh nhân dân/thẻ Căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực, địa chỉ của người mua (trường hợp người mua là cá nhân).
- Tên tổ chức mua, số giấy phép thành lập/mã số doanh nghiệp/số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trong trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp), địa chỉ của tổ chức mua (trường hợp đối tượng mua là tổ chức).
- Nếu chứng chỉ tiền gửi phát hành bởi công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính thì cần ghi rõ người sở hữu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức.
- Các nội dung khác của chứng chỉ tiền gửi do tổ chức phát hành quyết định.
Đối tượng phát hành
Theo Điều 3 Thông tư 01/2021/TT-NHNN quy định giấy tờ có giá được phát hành bởi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng đó, bao gồm:
- Ngân hàng thương mại.
- Ngân hàng hợp tác xã.
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Công ty tài chính hoặc công ty có dịch vụ cho thuê tài chính.
Điều kiện khi mua chứng chỉ tiền gửi
Nếu bạn có nhu cầu mua loại chứng chỉ này, chỉ cần bạn đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là người Việt Nam hoặc người nước ngoài nhưng đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam.
- Có độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên.
- Có đầy đủ giấy tờ chứng minh nhân thân.
- Có hoạt động giao dịch tại ngân hàng nơi nhà đầu tư mua chứng chỉ tiền gửi.
Ngoài các điều kiện trên, đơn vị phát hành loại chứng chỉ này có thể đặt ra các yêu cầu khác tùy vào mục đích phát hành.
Quyền lợi khi tham gia chứng chỉ tiền gửi
Như vậy, việc đầu tư chứng chỉ tiền gửi thật dễ dàng nhưng đem đến nguồn lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, cách thức vận hành và sử dụng đơn giản nên thích hợp với nhiều đối tượng. Đây sẽ là một nguồn vốn linh hoạt cho bạn dự phòng cho các kế hoạch tương lai.
Một số quyền lợi cụ thể của người mua chứng chỉ này như:
- Được hưởng lãi trên số tiền đã mua: Giống như hình thức gửi tiết kiệm, số tiền lãi bạn nhận được mỗi tháng được tính theo số tiền mà ban đầu người mua chi trả. Lưu ý rằng, hình thức này lãi suất cao hơn.
- Dễ dàng chuyển nhượng: Chứng chỉ tiền gửi có thể dễ dàng chuyển nhượng trong trường hợp người mua phải sử dụng tiền gấp hoặc quy đổi giá trị thành tiền mặt. Hai bên tự nguyện thỏa thuận mọi liên quan về giá cả; ngân hàng chỉ đóng vai trò là người trung gian để xác nhận việc chuyển tiền sau khi hai bên ký kết thỏa thuận thành công.
- Được cho, tặng, biếu, thừa kế hoặc ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật và tổ chức phát hành: Ngoài chuyển đổi quyền sở hữu, bạn cũng có thể biếu, cho hoặc tặng lại. Thủ tục tiến hành sẽ đơn giản hơn nhiều so với thừa kế tài sản và sẽ được hỗ trợ từ phía ngân hàng phát hành.
Chứng chỉ tiền gửi ngân hàng nào cao nhất?
Gần đây nhiều ngân hàng thương mại đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao trên 8%/năm. Vậy lãi suất ngân hàng nào cao nhất?
Viet Capital Bank
Ngân hàng Bảo Việt (Viet Capital Bank) trả lãi suất cho loại chứng chỉ này lên tới 8,4%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm CCTG với kỳ hạn và lãi suất đa dạng. Cụ thể, với kỳ hạn 6 – 9 – 12 – 15 tháng, lãi suất lần lượt là 7,5% – 7,8% – 8% – 8,2%/năm.
Nếu muốn mua CCTG ở Viet Capital Bank, bạn chỉ cần bỏ ra ít nhất 10 triệu đồng. Nhà đầu tư sẽ nhận lãi dưới hai hình thức là nhận lãi cuối kỳ và nhận lãi theo tháng. Mức lãi suất sẽ được cố định trong suốt kỳ hạn.
Người mua có thể thoải mái chuyển nhượng CCTG bất cứ khi nào sau 6 tháng mua. Có thể chuyển nhượng với bất cứ hình thức nào mà vẫn được hưởng mức lãi suất hấp dẫn nhất.
Nếu hết kỳ hạn CCTG khách hàng không đến thanh toán, Viet Capital Bank sẽ tự động chuyển khoản tiền gốc (trường hợp lãi không nhập gốc), cả gốc và lãi (trường hợp lãi nhập gốc) sang sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn tương ứng với lựa chọn ban đầu của chứng chỉ tiền gửi. Lãi suất khoản tiền gửi này được công bố tại thời điểm đáo hạn.
SeaBank
Nằm trong top 3 ngân hàng có lãi suất cao nhất khi mua chứng chỉ tiền gửi đó là SeaBank. Ngân hàng này phát hành 2 loại chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, lãi suất lần lượt là 7,7%/năm và 7,85%.
Khách hàng phải đầu tư tối thiểu 100 triệu đồng để mua chứng chỉ tiền gửi của SeABank. Khách hàng sẽ được hưởng lợi từ lãi suất cố định và lãi hàng năm. Ngoài ra, khách hàng có quyền cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, tặng cho hợp pháp chứng chỉ tiền gửi này sau một năm nếu có nhu cầu.
Sacombank
Vào tháng 7 vừa qua, Sacombank cũng tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi lãi suất 7,33%/năm. Để sở hữu chứng chỉ tiền gửi, khách hàng chỉ cần bỏ ra tối thiểu 1 triệu động mà thôi. Chương trình kéo dài từ tháng 7 cho tới hết năm 2022.
Tuy nhiên, thời hạn chứng chỉ tiền gửi của Sacombank khá dài, tới 84 tháng (7 năm). Mức lãi suất không cố định, 7,33%/năm áp dụng cho năm đầu tiên, những năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp. Khách hàng có thể tự do chuyển những bất kỳ lúc nào, có thể sử dụng thế chấp để vay vốn.
Lời kết
Chứng chỉ tiền gửi là hình thức đầu tư tương đối an toàn và ít rủi ro. Tuy nhiên, để việc đầu tư hiệu quả, bạn nên xem xét đến mục tiêu và kế hoạch tài chính dài hạn của mình. Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã có thêm thông tin về sản phẩm tài chính này, qua đó có được sự lựa chọn phù hợp nhất.