Trong lĩnh vực chứng khoán, chỉ số P/S là một trong những công cụ cực kỳ đắc lực giúp cho các nhà đầu tư có thể đánh giá được giá trị của một doanh nghiệp. Vậy chỉ số P/S cụ thể là gì? Chỉ số P/S như thế nào là tốt? Nên ứng dụng chỉ số này vào trong những trường hợp nào trong đầu tư chứng khoán? Cùng Giavang.com tìm hiểu chi tiết trong bài biết sau đây.
Mục Lục
Chỉ số P/S trong chứng khoán là gì?
P/S (viết tắt của Price to Sales Ratio) được gọi là Chỉ số giá trên doanh thu. Đây là một chỉ số định giá dựa trên thị trường dùng để so sánh mối quan hệ giữa giá trị thị trường của cổ phiếu và doanh thu trên mỗi cổ phiếu của một công ty bất kỳ.
Hay nói cách khác, chỉ số P/S cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu cho mỗi đồng doanh thu cho một cổ phiếu.
- Chỉ số Eps là gì? Hướng dẫn tính chỉ số Eps chính xác
- Chỉ số PE là gì? Hướng dẫn tính chỉ số PE chính xác
- Chỉ số Peg trong chứng khoán là gì? Sử dụng chỉ số Peg ra sao cho hiệu quả?
- Chỉ số P/b là gì? Chỉ số P/b nói lên điều gì?
Ý nghĩa của chỉ số P/S
Chỉ số P/S mang lại rất nhiều ý nghĩa cho cả doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư. Cụ thể, thông qua chỉ số P/S, các nhà đầu tư/chủ doanh nghiệp có thể đưa ra được nhiều đánh giá quan trọng như:
- Định giá được giá trị doanh nghiệp: Nếu chỉ số P/S thấp trong khi doanh nghiệp đang ở thời kỳ ổn định và doanh thu tăng trưởng đều, điều này có thể được hiểu là doanh nghiệp đó hiện đang bị định giá thấp => cơ hội lý tưởng để các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu của công ty đó.
- So sánh các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực hoạt động: Nhờ có chỉ số P/S mà các nhà đầu tư có thể đưa ra nhận định về mức độ rủi ro khi nào tư vào một công ty bất kỳ.
- So sánh hoạt động trong quá khứ của doanh nghiệp: Chỉ số P/S giúp cho các nhà đầu tư nắm bắt được quá trình hoạt động cũng như tiềm năng của doanh nghiệp đó ra sao. Nếu P/S nhỏ hơn so với trung bình trong quá khứ, đây là cơ hội tốt để đầu tư và ngược lại.
Cách tính chỉ số P/S
Công thức dùng để tính chỉ số P/S như sau:
P/S = Thị giá cổ phiếu / Doanh thu thuần trên 1 cổ phiếu
Hoặc:
P/S = Vốn hóa thị trường / Tổng doanh thu thuần
Trong đó: Vốn hóa thị trường = Thị giá cổ phiếu x Tổng lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành.
Ví dụ thực tế:
Cổ phiếu công ty X đang được giao dịch ở mức giá 50.000 VNĐ. Khối lượng cổ phiếu lưu hành là 1,5 tỷ cổ phiếu. Tổng doanh thu thuần trong năm 2023 của công ty X là 60.000 tỷ đồng.
Khi đó: Doanh thu thuần = Doanh thu 4 quý/KLCP lưu hành = 60.000 tỷ / 1,5 tỷ = 40.000 VNĐ
=> Hệ số P/S = Thị giá cổ phiếu / Doanh thu thuần trên 1 cổ phiếu = 50.000 / 40.000 = 1,25
- Vốn hóa thị trường là gì? Cách tính vốn hóa thị trường thông minh
- Thị giá cổ phiếu là gì? Yếu tố nào ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu?
Chỉ số P/S bao nhiêu là tốt?
Về bản chất, việc sử dụng chỉ số P/S trong phân tích đơn thuần chỉ là phương pháp định giá tương đối. Do đó, sẽ không có một con số tuyệt đối nào chính xác để khẳng định P/S là tốt nhất.
Theo quan điểm của các chuyên gia, trong việc so sánh giữa các doanh nghiệp cùng ngành với nhau thì nhà đầu tư nên so sánh chỉ số P/S qua từng thời kỳ, đồng thời còn cần phải kết hợp thêm với một vài chỉ số khác. Theo đó, nếu doanh nghiệp có chỉ số P/S thấp hơn so với quá khứ (hoặc đối thủ cạnh tranh) khi xét trên yếu tố lợi nhuận thì bạn hãy nên đầu tư vào.
- P/S cao: Nếu doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, làm ăn hiệu quả, ngành nghề ổn định, tốc độ tăng trưởng cao.
- P/S thấp: Nếu tính rủi ro doanh nghiệp cao, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu nhiều.
Tóm lại, tỷ lệ P/S của mỗi doanh nghiệp là khác nhau và điều này sẽ tùy thuộc vào các yếu tố như lĩnh vực, quy mô, cấu trúc hay chiến lược hoạt động,…Đối với chỉ tiêu doanh thu doanh nghiệp, P/S chỉ thể hiện được một phần góc nhìn của thị trường. Vì thế, nhà đầu tư tuyệt đối không nên chỉ dựa vào một mình chỉ số này mà lượt bỏ qua toàn bộ cơ cấu chi phí hay cấu trúc vay nợ.
Ưu và nhược điểm của chỉ số P/S
Ưu điểm
Một số ưu điểm nổi bật khi ứng dụng chỉ số P/S vào trong việc đo lường và định giá cổ phiếu như sau:
- So với lợi nhuận, doanh thu ít khi bị thay đổi. Điều này dẫn đến kết quả từ chỉ số P/S mang lại sẽ có độ chính xác cao hơn. Lý do là bởi, nhờ vào các chiêu trò thao túng mà lợi nhuận hiện nay rất dễ bị bóp méo. Với P/S, doanh thu sẽ được kiểm tra chéo bởi các chuyên gia, đối tác nên sẽ có mức độ tin cậy cao.
- Hệ số P/S còn dùng được cho các các doanh nghiệp đang bị thua lỗ. Với những năm đầu khi mới đi vào luồng hoạt động, phần lớn các doanh nghiệp chưa thể tạo ra lợi nhuận. Trong trường hợp này, để có thể đưa ra được đánh giá chính xác thì buộc nhà đầu tư phải dùng phép so sánh giữa P/S trong quá khứ với các công ty cùng ngành.
Nhược điểm
Hệ số P/S cũng tồn tại một vài điểm hạn chế như sau:
- Hệ số P/S không thể giúp các nhà đầu tư nắm bắt được sự khác biệt về cấu trúc chi phí giữa các doanh nghiệp. Thay vào đó, nó chỉ có thể cung cấp các thông tin liên quan đến mặt bán hàng.
- Nếu doanh thu nhiều nhưng không đủ bù chi trong thời gian dài thì lợi nhuận sẽ âm. Bởi vì, bản chất của kinh doanh là dòng tiền và lợi nhuận.
- Trong trường hợp chỉ số P/S giảm đột ngột do doanh thu tăng trưởng, lúc này các doanh nghiệp cần chú ý đến số tiền thu về trên bảng cân đối kế toán. Nếu so với doanh số mà số tiền phải thu tăng nhanh, khi đó doanh nghiệp có thể ghi nhận sớm nhưng chưa mang lại dòng tiền thật.
Ứng dụng chỉ số P/S trong chứng khoán
Trong đầu tư chứng khoán, không phải lúc nào cứ sử dụng chỉ số P/S cũng sẽ mang lại cho chúng ta kết quả tối ưu nhất. Dưới đây là một vài trường hợp nhà đầu tư nhất định phải ứng dụng chỉ số P/S vào việc phân tích nếu muốn mang lại hiệu quả cao:
– Bạn muốn đầu tư vào những ngành có tốc độ tăng trưởng cao
Để có thể vận dụng tốt hệ số P/S trong trường hợp này, các nhà đầu tư cần phải chú ý đến các dấu hiệu như sau:
- Doanh nghiệp phát hành cổ phiếu đang trên đà tăng trưởng ổn định qua nhiều năm. Đồng thời còn đạt được tốc độ tăng trưởng dao động trong khoảng từ 15 – 20%/ năm hoặc thậm chí cao hơn.
- Hệ số P/S thấp hơn trung bình ngành và những đối thủ cạnh tranh => cơ hội tốt để bạn đầu tư.
– Bạn muốn định giá các ngành có yếu tố chu kỳ
Một số ngành mà có yếu tố chu kỳ, chẳng hạn như cổ phiếu ngành thép, xi măng, đá gạch,…sẽ là nhân tố gây sức ảnh hưởng lên cho khá nhiều ngành khác trong thị trường chứng khoán. Theo đó, sẽ có những giai đoạn mà cổ phiếu của những mã ngành nêu trên sẽ biến động cực mạnh. Vì thế, việc kết hợp chỉ số P/S trong trường hợp này chắc chắn sẽ giúp cho kết quả phân tích của nhà đầu tư trở nên an toàn hơn rất nhiều.
– Bạn muốn đánh giá các công ty có dấu hiệu thua lỗ
Nếu bạn đang nghiên cứu một công ty chỉ mới vừa startup hay là một công ty đã có vị thế nhưng bỗng chốc thua lỗ nặng, hệ số P/S sẽ giúp bạn biết được rằng bạn nên lựa chọn rót vốn vào công ty nào là tốt nhất. Bằng cách sử dụng chỉ số này để so sánh giá trị của doanh nghiệp ở hiện tại và trong quá khứ hoặc là so sánh doanh nghiệp đó với các đối thủ cùng ngành.
– Bạn muốn kết hợp biên lợi nhuận gộp để phân tích cổ phiếu
Trong đầu tư chứng khoán, hệ số P/S có một đặc tính là sẽ so sánh biên lợi nhuận gộp hoặc biên lợi nhuận ròng của một doanh nghiệp qua các thời kỳ nhất định. Nếu như bạn đang muốn tìm hiểu về một mã cổ phiếu nào đó thì hãy tận dụng ưu điểm này để có thể đưa ra được những đánh giá một cách khách quan nhất.
Bên trên là toàn bộ thông tin về chỉ số P/S. Mong rằng với những chia sẻ vừa rồi có thể giúp cho các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về chỉ số P/S là gì trong chứng khoán, P/S như thế nào là tốt cũng như ứng dụng chỉ số này một cách hiệu quả vào trong đầu tư để đạt hiệu quả cao. Chúc các bạn thành công!