Chi phí chìm là khoản chi phí không thể tránh khỏi trong quá trình hoạt động kinh doanh. Vậy chi phí chìm (Sunk Cost) là gì? Đặc điểm của chi phí này ra sao? Làm thế nào để có thể tránh được bẫy chi phí chìm. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây, giavang.com sẽ đem đến những thông tin chi tiết về chi phí chìm.
Mục Lục
Chi phí chìm (Sunk Cost) là gì?
Chi phí chìm (trong tiếng Anh: Sunk Cost) là những khoản chi phí không thể thu hồi lại được bởi những quyết định không chính xác trong quá khứ. Chi phí này rất khó tránh khỏi trong quá trình hoạt động kinh doanh, trong dự án đầu tư.
Sunk Cost thường không được đưa vào những tính toán của dự án. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư vẫn bị các chi phí chìm ảnh hưởng đến những quyết định ở tương lai.
Ví dụ về chi phí chìm trong cuộc sống
Giả sử, chị B mua một chiếc áo sơ mi online với giá 100.000 đồng nhưng khi nhận được thì chiếc áo có form rất xấu, chất vải mỏng và không giống trong hình và phần mô tả của shop. Do đó chị B sẽ có hai lựa chọn:
- Lựa chọn một: Vì tiếc tiền nên chị B quyết định vẫn mặc chiếc áo sơ mi đó.
- Lựa chọn hai: Chị B bỏ luôn chiếc áo đó và không mặc lần nào.
Như vậy, số tiền 100.000 đồng đã bỏ ra để mua áo là chi phí chìm,. Cho dù chị B có lựa chọn một trong hai cách trên thì chị B vẫn không thể lấy lại được tiền. Chi phí chìm không được tính toán vào khi đưa ra các quyết định kinh doanh.
Đặc điểm của chi phí chìm
Chi phí chìm không được tính là thông tin thích hợp và hữu ích để cân nhắc trước khi đưa ra quyết định bởi chi phí này là:
- Chi phí đã chi ra, là chi phí phát sinh.
- Chi phí này không thể tránh khỏi. Tất cả những khoản phí rủi ro đều có thể biến đổi thành chi phí chìm.
- Chi phí chìm luôn tồn tại ở mọi phương án, bất kể doanh nghiệp quyết định lựa chọn phương án nào thì chi phí chìm vẫn luôn luôn tồn tại.
Chi phí chìm không thể kiểm soát được. Những nhà quản trị sẽ không thể nào đưa ra những dự đoán chính xác về mức độ phát sinh chi phí chìm trong kỳ hoặc không sở hữu đủ thẩm quyền để đưa ra các quyết định về chi phí này.
Bẫy chi phí chìm
Bẫy chi phí chìm là gì?
Chi phí chìm không phải là chi phí được tính đến khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà đầu tư xem xét đến chi phí này. Và khi xem xét xong thì họ chần chừ trong việc theo đuổi các phương án mới, ngay cả khi họ nhận thức được rằng việc từ bỏ phương án cũ sẽ có lợi hơn.
Bẫy chi phí chìm có nghĩa là những nhà đầu tư đang theo đuổi phương án đầu tư đến cùng, theo đuổi một các phi lý, bất chấp kết quả không như mong đợi.
Ví dụ: Anh A đầu tư 70 triệu vào cổ phiếu. Sau một khoảng thời gian thì giá trị của cổ phiếu đó liên tục giảm và vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Tại thời điểm mà giá trị của khoản đầu tư chỉ còn 15 triệu, anh A vẫn chưa quyết định cắt lỗ vì tiếc tiền và thời gian mà mình bỏ ra. Kết quả là anh A mất sạch tiền khi cổ phiếu đã đầu tư trở nên vô giá trị. Thay vì thu hồi được 15 triệu tiền vốn thì anh A lại mất sạch số tiền đã đầu tư.
Nguyên nhân dẫn đến bẫy chi phí chìm
- Nhà đầu tư đưa ra quyết định dựa vào những hành vi trong quá khứ mà bỏ qua những thông tin phản hồi tiêu cực. Bên cạnh đó, nhà đầu tư tiếc cho thời gian và số tiền đã bỏ vào phương án đầu tư cũ. Vì thế, họ muốn kiên trì với dự án mặc dù đang thua lỗ. Hiện tượng này còn được gọi là ngụy biện chi phí chìm.
- Nhà đầu tư kỳ vọng nhiều về lợi ích mà dự án họ đã đầu tư có thể đem lại, nhưng kết quả thì lại trái với mong đợi. Để hợp lý hóa hành động, họ vẫn duy trì hoạt động đầu tư bất chấp những thiệt hại về tiền bạc và cơ hội. Xét theo góc độ tâm lý học, hành động này được xem là cơ hội để giải quyết sự bất hòa trong nhận thức cá nhân và duy trì niềm tin vào quyết định ban đầu.
- Tâm lý không bao giờ bỏ cuộc là một trong những nguyên nhân làm cho nhà đầu tư tin tưởng và kiên trì với quyết định của bản thân, và cho rằng họ nhất định sẽ gặt hái được “quả ngọt”.
4 bước tránh bẫy chi phí chìm trong đầu tư chứng khoán
Các nhà quản trị, nhà hoạt động kinh doanh cần phải đảm bảo áp dụng tốt các biện pháp cắt giảm chi phí chìm sao cho hiệu quả. Vậy đâu là giải pháp để tránh bẫy chi phí chìm? Cùng tham khảo các bước dưới đây nhé!
Xác định điểm cắt lỗ
Đầu tiên nhà đầu tư cần lập ra một kế hoạch đầu tư cụ thể, xác định được tỷ suất sinh lợi, khoản lỗ tối đa mà doanh nghiệp/công ty có thể gánh được để tránh lún sâu vào bẫy chi phí chìm. Từ đó nhà đầu tư có thể cắt lỗ an toàn cũng như tối thiểu hóa những thiệt hại nếu rủi ro xảy ra.
Tính toán chi phí cơ hội
Mỗi một quyết định đầu tư sẽ có các chi phí cơ hội khác nhau. Chi phí cơ hội hiểu là lợi ích mà bạn có thể bỏ lỡ khi lựa chọn phương án này thay vì phương án kia. Việc đánh giá, tính toán chi phí cơ hội cho phương án đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư dễ buông bỏ những quyết định sai, không phù hợp hơn.
Tạo ra các phương án thay thế
Nhà đầu tư nên xem xét và đánh giá một loạt các phương án khác nhau. Điều này sẽ giúp tạo ra các phương án thay thế khi cần sẽ giúp phân bổ xác suất, tránh gây ra sự thiên vị khi ra quyết định đầu tư.
Thừa nhận sai lầm
Mỗi doanh nghiệp để tiến đến thành công sẽ phải trải qua những sai lầm nhất định. Tuy nhiên, chỉ cần doanh nghiệp đó biết sai ở đâu, rút kinh nghiệm và tìm ra cách để chữa sai thì chắc chắn sẽ thành công.
So sánh chi phí chìm và chi phí cơ hội
Tiêu chí | Chi phí chìm | Chi phí cơ hội |
Phân loại | Là chi phí kế toán, có thể được ghi nhận trong sổ sách. | Không phải chi phí kế toán |
Cách ghi nhận | Hoàn toàn có thể ghi nhận trên sổ sách nên không khó để kiểm chứng | Không được thể hiện trong những khoản chi phí kế toán, sổ sách của doanh nghiệp |
Mức độ tác động đến quyết định đầu tư | Dễ dàng bị loại bỏ trong quá trình xem xét các quyết định đầu tư bởi đây là chi phí trong quá khứ và không thể thu hồi. | Được doanh nghiệp xem xét đến khi đưa ra các quyết định đầu tư |
Cách thức đo lường | Đo lường mức chi phí đã chi trả trong lịch sử | Được đo lường dưới dạng khả năng tốt nhất đã bị bỏ qua |
Ứng dụng thực tiễn | Mặc dù chi phí này có tồn tại thật nhưng không được tính toán trong quá trình xem xét đầu tư. | Được ứng dụng rộng rãi |
Kết luận
Bài viết trên chia sẻ những thông tin chi tiết về chi phí chìm. Đa phần các nhà đầu tư sẽ khó tránh khỏi việc dính vào bẫy chi phí chìm. Do đó, mỗi nhà đầu tư cần xác định mục tiêu đầu tư rõ ràng và dựa vào tình hình thực tế để đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời. Hy vọng bài viết đem đến cho bạn những thông tin hữu ích. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.
Bài viết liên quan:
Thị trường ngách là gì? 5 bước đơn giản xác định thị trường ngách