Theo quy định của luật Doanh nghiệp 2020, hiện nay các loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất đó là công ty hợp danh, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Mỗi loại hình sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau.
Mục Lục
Loại hình doanh nghiệp là gì?
Loại hình doanh nghiệp là thuật ngữ để nói về hình thức kinh doanh của các cá nhân hay tổ chức đã chọn ngay từ đầu. Nó đóng vai trò đại diện cho mục tiêu mà doanh nghiệp đó muốn thiết lập trong tương lai.
Ví dụ: Nhà nước, tư nhân, hợp tác xã,…
Đương nhiên, mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những đặc điểm, chức năng khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết từng loại hình doanh nghiệp trong mục tiếp theo nhé.
Các loại hình doanh nghiệp nào phổ biến nhất hiện nay?
Dựa trên luật Doanh nghiệp năm 2020, hiện nay có 5 loại hình doanh nghiệp phổ biến, được nhiều người biết đến. Cụ thể như sau:
Doanh nghiệp tư nhân
Khái niệm
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp người sở hữu chính là một cá nhân nào đó và chính họ sẽ chịu trách nhiệm về tất cả hoạt động của doanh nghiệp.
Đặc điểm
- Người chịu trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân sẽ không có tư cách pháp nhân;
- Nắm mọi quyền quyết định từ hoạt động kinh doanh đến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đó.
- Người sở hữu doanh nghiệp này có thể trực tiếp quản lý hoặc gián tiếp bằng cách thuê ngoài để vận hành các hoạt động kinh doanh;
- Nếu Giám đốc quản lý doanh nghiệp là người được thuê thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng về tất cả hoạt động của doanh nghiệp.
Điểm mạnh
- Các thủ tục thành lập doanh nghiệp không hề phức tạp;
- Thông thường, doanh nghiệp tư nhân ít chịu sự quản lý nghiêm ngặt của pháp luật;
- Linh hoạt trong mọi quyết định các vấn đề hoạt động kinh doanh bởi chính họ là người sở hữu độc quyền công ty.
- Với trách nhiệm to lớn của người sở hữu doanh nghiệp, các đối tác lẫn khách hàng sẽ có niềm tin mạnh mẽ với họ.
Hạn chế
- Loại hình này không có tư cách pháp nhân, do đó mức độ rủi ro của họ sẽ cao hơn các loại hình khác.
- Doanh nghiệp tư nhân cũng không được phát hành mọi loại chứng khoán, hiển nhiên không có quyền bán phần vốn góp cho cá nhân hoặc tổ chức khác. Vì vậy, họ không có khả năng huy động vốn từ bên ngoài;
- Loại hình này hiện nay ít được chuộng bởi những hạn chế quá nhiều.
Công ty hợp danh
Khái niệm
Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Đặc điểm
- Khác với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh có tư cách pháp nhân rõ ràng; trong đó có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty; ngoài ra còn có thành viên hợp danh, thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh là những người có kiến thức chuyên môn cao, có mức độ tin cậy và có thể chịu trách nhiệm bằng tất cả tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn có thể là cá nhân hoặc tổ chức, trách nhiệm thấp hơn thành viên hợp danh. Đó là chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
- Tư cách pháp nhân có hiệu lực từ lúc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Điểm mạnh
- Quá trình vận hành công ty hợp danh khá đơn giản bởi số lượng thành viên không nhiều, ngoài ra chủ yếu đều là người quen biết và có mức độ uy tín, tin tưởng nhau tuyệt đối;
- Như đã đề cập ở trên, các thành viên hợp danh có trách nhiệm cao bằng cả tài sản của mình nên đó cũng là một điểm cộng về sự đáng tin trong mắt các khách hàng lẫn đối tác kinh doanh.
Hạn chế
- Chịu trách nhiệm bằng cả tài sản của mình vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm bởi như thế thì tỷ lệ rủi ro rất cao. Do đó, loại hình doanh nghiệp này cũng không được thông dụng;
- Ngoài ra, công ty cũng không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
- Các thành viên góp vốn thường ít hoặc không có quyền quản lý doanh nghiệp.
Công ty TNHH một thành viên
Khái niệm
Công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp có mức độ phổ biến rộng rãi nhất hiện nay. Công ty TNHH được chia thành hai loại đó là công ty TNHH một thành viên và hai thành viên trở lên.
Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân độc lập làm chủ sở hữu; chủ sở hữu công ty sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Đặc điểm
- Công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân được tính từ ngày nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Công ty TNHH một thành viên không có quyền phát hành cổ phần;
Điểm mạnh
- Bởi vì có tư cách pháp nhân nên các thành viên trong ban thành lập công ty sẽ có trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi vốn góp. Điều này sẽ ít gây rủi ro cho người góp vốn;
- Nhanh chóng quyết định được các vấn đề bởi cơ cấu tổ chức đơn giản.
Hạn chế
- Công ty TNHH một thành viên không được giảm vốn điều lệ
- Chỉ được huy động vốn trong phạm vi hẹp (từ chủ sở hữu)
Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay.
Đặc điểm
- Có tư cách pháp nhân kể từ lúc nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Số lượng thành viên của công ty TNHH không quá 50 người;
- Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;
- Phần góp vốn của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật doanh nghiệp.
Điểm mạnh
- Hạn chế được mức độ rủi ro bởi các thành viên chỉ cần chịu trách nhiệm về các hoạt động trong phạm vi công ty góp vốn;
- Việc quản lý cũng như điều hành công ty khá đơn giản bởi số lượng thành viên không nhiều cũng như thường là người quen biết, có mức độ tin cậy lớn;
- Chế độ chuyển nhượng vốn được sắp xếp chặt chẽ nên các nhà đầu tư có thể dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên và có thể hạn chế được sự thâm nhập của người lạ vào công ty;
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền phát hành trái phiếu để thực hiện việc huy động vốn.
Hạn chế
- Khác hoàn toàn với công ty hợp danh hay tư nhân, công ty TNHH hai thành viên trở lên chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật;
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên không có quyền phát hành cổ phiếu vì vậy đây là một điểm yếu trong việc huy động vốn cho công ty.
Công ty cổ phần
Đặc điểm
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân;
- Cụm từ cổ phần để chỉ về vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau;
- Các cá nhân hoặc tổ chức đều có thể tham gia góp vốn để trở thành cổ đông; tối thiểu là 3 cổ đông và không giới hạn số lượng;
- Cổ đông có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, chỉ trừ trường hợp cổ đông đang sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết;
- Công ty cổ phần phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc/Tổng giám đốc. Nếu công ty cổ phần dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không cần phải có Ban kiểm soát;
Điểm mạnh
- Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty;
- Công ty cổ phần có khả năng hoạt động lớn, đa phần ở mọi lĩnh vực và ngành nghề;
- Cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt nhằm tạo điều kiện nhiều người có thể cùng góp vốn vào công ty.
- Trách nhiệm của công ty cổ phần là loại trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ cần chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn được góp nên mức độ rủi ro của các cổ đông thấp;
- Dễ dàng và đơn giản trong việc chuyển nhượng vốn. Nên là phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần khá rộng, đến các cán bộ công chức cũng có thể mua cổ phiếu của công ty cổ phần.
Hạn chế
- Việc quản lý và vận hành sẽ phức tạp hơn bởi số lượng cổ đông lớn dần, không chỉ có người quen mà còn có những người lạ;
- Bị sự quản lý chặt chẽ của pháp luật, đặc biệt về các chế độ tài chính, kế toán;
- Khi chuyển nhượng cổ đông sẽ bị áp thuế thu nhập cá nhân theo chuyển nhượng chứng khoán là 0,1%. Đây là mức thuế chung nên dù công ty không có lãi thì khi chuyển nhượng vẫn áp dụng mức thuế này.
- Khó khăn trong việc đưa ra quyết định vì phải thông qua nhiều ban như Hội đồng quản, Đại hội đồng cổ đông…Vậy nên có thể sẽ bỏ qua nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
Một số câu hỏi liên quan
Có bao nhiêu loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay?
Có 5 loại hình công ty, doanh nghiệp bao gồm: Công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Nếu tôi khởi nghiệp, nên chọn loại hình nào?
Theo nhiều kinh nghiệm, trong giai đoạn khởi nghiệp các nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý còn hạn chế, bạn nên thành lập công ty TNHH 1 thành viên để dễ quản lý.
Sau này khi công ty phát triển lớn mạnh và có nhu cầu huy động vốn cao hơn để mở rộng quy mô, ngành nghề, bạn có thể dễ dàng chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
Loại hình doanh nghiệp nào được phát hành cổ phiếu?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì chỉ có duy nhất công ty cổ phần được phát hành cổ phiếu để huy động vốn và cũng là loại hình doanh nghiệp duy nhất được tham gia thị trường chứng khoán. Đây là ưu điểm riêng có của công ty cổ phần.
Kết luận
Qua bài viết trên, có lẽ bạn đã hiểu rõ về các loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay. Hy vọng với những kiến thức trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình đầu tư. Đừng quên ghé giavang.com để cập nhật nhiều tin tức mới nhất ở các lĩnh vực về tài chính nhé. Chúc các bạn thành công.