Các yếu tố cốt lõi như FED hạ lãi suất, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng hay hệ thống KRX được vận hành… đều là những tiền đề có thể giúp VN-Index vượt mốc 1.250 điểm.
Theo báo cáo thị trường chứng khoán đầu năm 2024 đến từ Công ty chứng khoán MB (MBS), chỉ số đại diện tại sàn HoSE có thể đạt ngưỡng 1.250-1.280 điểm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm chạm “đáy”.
Việc FED có thể hạ lãi suất từ quý II/2024 đóng vai trò khá quan trọng trong việc kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm sự tăng trưởng. Bên cạnh đó, nhóm phân tích MBS cũng kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 16.8% trong năm 2024 khi nền kinh tế đang được phục hồi tích cực.
KBSV cũng cho rằng việc hạ mặt bằng lãi suất và mức độ tăng trưởng của các nhóm doanh nghiệp niêm yết cũng được xem là động lực chính giúp thị trường tăng trưởng. Mức tăng trưởng này có thể đạt trong khoảng 5-20% trong năm 2024.
Đồng thời, sự ấm dần của thị trường BĐS cũng mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán. Nhóm phân tích MBS cũng có nhiều kỳ vọng rằng, chứng khoán Việt Nam sẽ ghi nhận được nhiều thông tin hỗ trợ khi hệ thống KRX được đưa vào vận hành.
Những yếu tố trên sẽ giúp cho VN-Index sẽ tăng lên mức 1.250 – 1.280 điểm trên cơ sở lợi nhuận DN niêm yết năm 2024 tăng 16.8% và định giá P/E 12 – 12.5 lần”.
Theo ý kiến đánh giá từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024. Về dài hạn, Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 (theo VCBS).
VCBS dự báo, chỉ số VN-Index có thể đạt đến đỉnh tại vùng 1.300 điểm trong năm 2024. Tuy nhiên, thị trường có thể có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm.
Xét ở chiều ngược lại, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề rủi ro khi bất động sản bị đóng băng kéo dài sẽ gia tăng các khoản nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Sự kiện này sẽ tạo nên các điểm nghẽn dòng vốn giảm sự lưu thông tiền tệ trên thị trường chứng khoán. Lạm phát có thể tăng cao hơn so với kỳ vọng sẽ dẫn đến đảo chiều chính sách tiền tệ.